(Viết nhân mùa Phật đản)
Hiểu theo nghĩa đơn giản,Ăncơmchùxem kết quả anh ăn cơm chùa là ăn cơm ở chùa. Ở một ý nghĩa nào đó, nó có hàm ý là ăn cơm miễn phí. Còn đích thị, đó là loại cơm chay. Và, điều đầu tiên tôi muốn nói ở đây là chuyện ăn cơm ở chùa. Mạ tôi ở làng một mình, quy y ở chùa làng tôi - Dạ Lê Thượng (Hương Thủy), Rằm hay Mồng Một đều nộp tiền và góp gạo để cùng ăn cơm chùa. Nhớ xưa vào dịp Đản sinh như vầy, mạ tắt bếp suốt mấy ngày liền. Nhớ mạ về thăm, tôi chỉ biết chạy lên chùa. Gặp bữa cơm thì không thể nào từ chối được trước những lời mời nhẹ nhàng và da diết của mấy o, mấy bác.
Cơm chay chùa làng tôi dạo ấy đơn sơ. Chỉ là những món ăn đạm bạc với nào đậu phụ, rau luộc, mít trộn… có thêm tô canh mướp đắng hay bí đỏ. Thế nhưng, ấn tượng nhất là không khí bữa ăn, đầm ấm và thân thương đến lạ. Mọi người chuyện trò vui vẻ. Khách lạ mà quen như tôi được quan tâm nhiều lắm. Lâu nay, tôi cũng đã nhiều lần được mời ăn cơm chay ở các chùa lớn tại Huế. Các món ăn chay được nấu nướng công phu và ngon hơn rất nhiều. Ăn xong thường được mời đến tịnh thất của các thầy để uống trà và đàm đạo. Có khi còn được hướng dẫn thăm thú vườn tược, cây trái. Không thể so sánh về những bữa ăn chay đó và với tôi, đó là một cảm giác thân quen, gần gũi với nhiều thích thú khi được khám phá bao điều mới lạ.
Theo quan niệm Phật giáo, ăn chay là để nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng căn lành và phát triển tình thương. Giữa cuộc đời, sự sống là cái có giá trị nhất và cần được trân trọng nhất. Ăn chay là một cách để biểu hiện lòng tôn quý và trân trọng sự sống. Khoa học cũng chứng minh, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh và sống lâu, không bệnh tật. Không còn nghi ngờ, Huế có cơm chay ngon bởi đây là thủ phủ của Phật giáo, nơi có nhiều chùa chiền và một số lượng lớn người thường xuyên ăn chay. Nhiều chùa xưa ở Huế là do giới quý tộc lập ra như Từ Hiếu, Hồng Ân... nên việc nấu món ăn chay ngon xuất phát từ chùa và từ đó, dần dần truyền ra ngoài dân dã.
Chuyện vào năm 2000, nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà được nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh mời ra Hà Nội tham dự tuần lễ văn hóa Huế. Món súp chay trong buổi tiệc đãi các đoàn ngoại giao được nhiều người trầm trồ khen ngợi. Đó là lý do khiến bà Tôn Nữ Thị Ninh tiếp tục mời bà Trà sang Bỉ giới thiệu ẩm thực chay. Thích thú với món chay của Huế, vợ chồng ông bà Christian Vanwert và Thanh Phương ở Bruxelles hỗ trợ nghệ nhân viết cuốn sách “Món chay phong cách Huế” (NXB Thuận Hóa) song ngữ Pháp - Việt. Theo bà Trà, nấu món chay cần sự kỳ công, tỉ mỉ trong các công đoạn chế biến. Để làm một mâm cỗ chay, người đầu bếp thành thạo phải mất gấp đôi thời gian so với nấu cỗ mặn.
Tôi không luận bàn ẩm thực chay vốn đã trở thành niềm tự hào của xứ Huế. Chỉ biết rằng, đi ăn cơm chùa, thoạt nhìn cứ tưởng chỉ là xáp vô ăn một bữa không tốn tiền. Kỳ thật, đây là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống lâu đời của dân tộc. Xưa nay, bá tánh và Phật tử người Huế dù nghèo khó đến mức nào, nếu đã đến chùa ăn cơm đều luôn có ý thức thực hiện việc làm công quả bù lại. Họ dọn bàn, rửa chén, phụ bếp… Còn nhìn từ góc thế tục, ăn cơm chùa rồi cúng dường cho nhà chùa theo điều kiện kinh tế của từng cá nhân chính là thực hiện ý thức cộng đồng với các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc. Tôi thấm thía lời ai đó bảo rằng, ăn cơm chùa, suy cho là cách để mọi người học nhận, học cho và thực hành ứng xử.