Sinh thời,ĩnhbiệtTổngcụctrưởngđầutiêncủangànhHảkết quả ireland ông Nguyễn Tài là một người thông minh hoạt bát, con nhà dòng dõi. Cha ông là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan. Ông Nguyễn Tài tham gia cách mạng từ năm 1944, lúc mới 18 tuổi. Ở tuổi 21, ông đã được bổ nhiệm làm Trưởng ty Công an Hà Nội. 10 năm sau là Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị (Bộ Công an). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông tình nguyện đi chiến trường miền Nam, rồi bị địch bắt vào dịp tết năm 1970. Mặt đối mặt với các nhân viên của CIA, suốt 4 năm, 4 tháng, 10 ngày trong nhà tù của Mỹ - Ngụy, ông đã giữ được khí phách kiên trung của người chiến sỹ Công an cách mạng. Mùa xuân năm 1975, khi Sài Gòn được giải phóng, ông được bộ đội ta giải thoát. Sau cảnh lao tù, ông trở lại với công việc của mình với cương vị Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban An ninh thành phố Hồ Chí Minh vừa mới được giải phóng. Sau đó ít lâu, ông được bổ nhiệm giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Những năm đầu thập niên 80, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có biểu hiện phức tạp và phổ biến. Trên cơ sở tổ chức Cục Hải quan Trung ương thuộc Bộ Ngoại Thương (nay là Bộ Công Thương), ngày 30-8-1984 Hội đồng Nhà nước phê chuẩn Nghị quyết số 547/NQ/HĐNN7 thành lập Tổng cục Hải quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Việc thành lập Tổng cục Hải quan vào thời điểm này là nhằm nâng cao vai trò, chức năng của ngành, tạo điều kiện thuận lợi để ngành có thể giúp Chính phủ quản lý công tác hải quan có hiệu quả nhất. Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển mới trên đường xây dựng và phát triển của Hải quan Việt Nam. Vốn là người có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo trong ngành Công an, năm 1985, ông được Đảng và Nhà nước giao trọng trách giữ cương vị Tổng cục trưởngTổng cục Hải quan đầu tiên.
Nhận nhiệm vụ mới, vị Tổng cục trưởng đầu tiên ý thức được trách nhiệm của mình và bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch phát triển ngành Hải quan, đặc biệt là trang bị kỹ thuật, phương tiện làm việc và tăng cường pháp chế, triển khai hệ thống tổ chức Hải quan toàn ngành thống nhất, chính quy. Thời kỳ đó, kỷ cương trong hoạt động XNK lỏng lẻo, hoạt động sản xuất trong nước còn eo hẹp và khó khăn, tình hình buôn lậu rất phức tạp, vì vậy vai trò của ngành Hải quan được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đồng chí Phạm Hùng (lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) có lưu ý: Hải quan môi trường hoạt động thường xuyên tiếp xúc với hàng và tiền, dễ bị mua chuộc nên cần phải quan tâm xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Phải làm gì và làm như thế nào? Câu hỏi luôn nung nấu trong suy nghĩ của người lãnh đạo Ngành như một thói quen của một cán bộ an ninh nhiều năm hoạt động cách mạng. Ngay trong năm đầu tiên giữ cương vị lãnh đạo, Tổng cục trưởng Nguyễn Tài đã đi thực tế tại khắp các đơn vị Hải quan để tìm hiểu về lĩnh vực có nhiều phức tạp này. Không ít lần qua những chuyến “vi hành” đột xuất tại cửa khẩu mà không báo trước cho các Cục Hải quan tỉnh, ông đã có thêm thông tin thực tế ở cơ sở cũng như nắm bắt được cán bộ lãnh đạo cấp cục có sâu sát hay không. Từ đó ông có những chỉ đạo trong chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong CBCC. Sự nghiêm túc, sâu sát, tường tận cơ sở ở vị Tổng cục trưởng đầu tiên này có lẽ còn bởi những phát hiện của ông về điều kiện làm việc của một số đơn vị hải quan sau những chuyến đi thực tế. Với trách nhiệm của mình, Tổng cục trưởng Nguyễn Tài đã cùng với các cơ quan có liên quan như Giao thông vận tải, Cảng vụ, cơ quan dịch vụ bàn bạc giải quyết từng bước về trụ sở làm việc, nhà ở cho cán bộ Hải quan. Cũng từ đây, những ý tưởng về trang bị máy móc phục vụ công tác nghiệp vụ hải quan đã bắt đầu xuất hiện trong ông. Ông đã nhanh chóng triển khai hệ thống tổ chức Hải quan trong toàn ngành, áp dụng quy trình hoạt động thống nhất và hợp lý để từng bước chính quy hóa. Vào thời kỳ đó, ông và lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã tranh thủ sự giúp đỡ của Hải quan các nước xã hội chủ nghĩa để đào tạo cán bộ và trang bị kỹ thuật cho Hải quan Việt Nam trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế. Năm 2005, vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quan Việt Nam, cán bộ, phóng viên Báo Hải quan đã được vinh dự nhiều lần gặp gỡ nguyên Tổng cục trưởng Nguyễn Tài. Qua trò chuyện, tiếp xúc chúng tôi đều cảm nhận được sự tâm huyết, trách nhiệm của ông trong giai đoạn ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Khi Tổng cục Hải quan được thành lập với vai trò, vị trí được nâng cao hơn, đồng chí Phạm Hùng có thông báo nhiệm vụ mới với ông Nguyễn Tài và dặn dò là cần phải đề ra các biện pháp quản lý hải quan để thiết lập lại trật tự hoạt động XNK vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, song cũng phải đảm bảo trật tự an ninh quốc gia. Khi chúng tôi hỏi điều gì được ông quan tâm chú trọng nhất trong công tác chỉ đạo điều hành Tổng cục Hải quan thời kỳ đó, ông Nguyễn Tài cho rằng đó là cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ chiến sỹ vững về chuyên môn, trong sáng về đạo đức phẩm chất. Trong câu chuyện của ông, vấn đề xây dựng lực lượng thường được ông nhắc đi nhắc lại. Thời kỳ đầu thành lập thiếu cán bộ, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chủ trương tuyển dụng một số cán bộ từ ngành Công an, Quân đội chuyển sang. Có số lượng, Tổng cục Hải quan bắt đầu rà soát trình độ, tổ chức đào tạo, tập huấn cho anh em các quy chế quy trình nghiệp vụ hải quan. Hồi đó, các quy định quy chế về hải quan chưa hình thành cụ thể và hệ thống. Ông cùng với lãnh đạo Tổng cục và cán bộ chủ chốt các đơn vị lao vào xây dựng quy trình công tác hải quan. Trong câu chuyện về những ngày làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Tài có nhắc đến những lần Hải quan bị phàn nàn từ một số hành khách, doanh nghiệp. Là một người quản lý chặt chẽ và sâu sát, ông tìm hiểu lại ngọn nguồn và không phải tất cả các trường hợp cán bộ hải quan đều làm sai mà lỗi lại bắt đầu từ đối tượng làm thủ tục XNK, XNC. Giờ đây, với hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể, việc đối thoại trao đổi giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp được thường xuyên, nên có thuận lợi hơn so với thời kỳ trước, những hiểu lầm va chạm đó đã được hạn chế rất nhiều. Nhớ lại thời kỳ đó, nguyên Tổng cục trưởng Nguyễn Tài vui mừng trước sự phát triển ngành Hải quan ngày hôm nay, trong đó hướng đi hiện đại hóa và trang bị máy móc phục vụ công tác nghiệp vụ được ông rất tán thành. Đó là ước mơ của lớp cán bộ hải quan của phương pháp làm việc thủ công 30 năm về trước. Thật khó kể hết về cuộc đời đã cống hiến trọn vẹn cho cách mạng của đồng chí Nguyễn Tài. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, khi đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Tài, đã nhận xét: “… Quá trình hoạt động cũng như quá trình đấu tranh kiên trung, mưu trí khi bị địch bắt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của đồng chí Tài cho thấy đồng chí thực sự xứng đáng là một Anh hùng. Sau giải phóng, đồng chí Tài đã kiên trì, thẳng thắn đấu tranh có nguyên tắc để bảo vệ mình trước những nghi vấn về thời gian bị địch bắt giam cầm và đã được các cơ quan chức năng của Đảng kết luận. Việc đó càng làm sáng tỏ hơn phẩm chất anh hùng của đồng chí”. Không chỉ xuất sắc, tài ba trong công việc, đồng chí còn là một con người đầy lòng nhân ái, vị tha, luôn giữ cho mình cuộc sống thanh bạch, liêm khiết, không có bất kỳ một sự cám dỗ nào có thể làm vẩn đục tâm hồn trong sáng của đồng chí. Cán bộ công chức Hải quan các thế hệ xin kính cẩn nghiêng mình và vĩnh biệt người Tổng cục trưởng đầu tiên của ngành Hải quan! |