Việc tiếp nhận thực tập sinh từ các nước đang phát triển trở thành chiến lược quan trọng nhằm vực dậy nền kinh tế của các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản, trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang tiếp tục giảm khiến nước này rơi vào tình trạng thiếu lao động, đặc biệt trong lĩnh vực lao động giản đơn. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều vấn đề trong chính sách đối với những lao động này.
Thực tế việc tiếp nhận lao động nước ngoài làm các công việc giản đơn ở Nhật Bản vẫn chưa được chấp nhận. Nước này chỉ tiếp nhận lao động giản đơn với danh nghĩa thực tập sinh, đề cao việc đào tạo kỹ năng, kiến thức, qua đó thể hiện sự đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Thực tập sinh là đối tượng quan trọng của Luật Lao động Nhật Bản, nhưng kèm theo rất nhiều điều kiện, trong đó chỉ có thể làm việc ở công ty tiếp nhận ban đầu và rất khó chuyển việc.
Theo báo Nikkei của Nhật Bản, số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản từ năm 2016 đã vượt 200.000 người và 96% trong số họ làm việc ngoài Tokyo. Với nhu cầu cao, tình trạng thiếu lao động tại các địa phương của Nhật Bản ngày càng trầm trọng. Việc đề cao giáo dục trong việc tiếp nhận thực tập sinh đang là rào cản đối với lao động nước ngoài, đặc biệt những thực tập sinh sau khi trở về sẽ không thể quay lại Nhật Bản với cùng tư cách trước đó. Nikkei cho rằng quy định trên nên được áp dụng một cách linh hoạt.
Bên cạnh đó, điều kiện sống và sinh hoạt cũng là vấn đề được đặt ra đối với các doanh nghiệp. Khoảng 70 người Việt Nam tại một doanh nghiệp trong lĩnh vực luyện kim tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama đã ký vào thư phản đối việc chuyển tới một ký túc xá mới, mà diện tích phòng ở chỉ 12m2 cho 4 người.
Nhật báo Nikkei cho biết đây là vấn đề mà doanh nghiệp và các địa phương đang gặp phải khi mà những thực tập sinh đến Nhật Bản đang có điều kiện sống và thu nhập ngày càng cao, họ mong muốn được tiếp nhận như là những người đồng nghiệp bình đẳng.
Theo TTXVN