Phế liệu tồn đọng phần lớn tại cảng Cát Lái Theo Cục Hải quan TPHCM, hiện tổng số lượng container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển TPHCM gồm 2.119 container, trong đó có 432 container đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định; số còn lại gồm 1.167 container là phế liệu không đạt chất lượng nhập khẩu. Để xử lý dứt điểm số phế liệu đang tồn đọng tại cảng biển nêu trên, Cục Hải quan TPHCM đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển thực hiện phân loại, xử lý. Sau khi được uỷ quyền của Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, Chủ tịch Hội đồng xử lý hàng tồn đọng, lãnh đạo các chi cục hải quan cửa khẩu có hàng tồn đọng đã ký thông báo, yêu cầu các hãng tàu tái xuất số phế liệu không đạt tiêu chuẩn, chất lượng nhập khẩu theo quy định. Số phế liệu tồn đọng nêu trên phần lớn tại cảng Cát Lái, với 1.509 container, trong đó có 410 container đủ điều kiện nhập khẩu. Số còn lại gồm 1.099 container thuộc phế liệu không đạt chất lượng, buộc phải tái xuất. Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Chi cục đã ký thông báo gửi 30 hãng tàu buộc tái xuất 1.099 container phế liệu nhập khẩu. Theo các thông báo này, có nhiều hãng tàu phải tái xuất hàng trăm container phế liệu. Chẳng hạn, Công ty TNHH C. Việt Nam, tái xuất 340 container; Công ty CP CM. tái xuất trên 200 container... Được biết, số container phế liệu buộc tái xuất nêu trên được nhập khẩu về các cảng và cảng Cát Lái từ năm 2018, nhưng không có người nhận và đã được Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển thuộc các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn kiểm đếm, phân loại, xác định không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu theo quy định. Tránh để phế liệu "quay đầu" Để thực hiện việc tái xuất phế liệu chặt chẽ, đúng quy định, Cục Hải quan TPHCM yêu cầu các chi cục hải quan có container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, buộc phải tái xuất lập danh sách container gửi Phòng Quản lý rủi ro và Đội kiểm soát để phối hợp theo dõi, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng cho container quay đầu nhập khẩu trở lại vào Việt Nam. Các thông báo của cơ quan Hải quan yêu cầu hãng tàu trực tiếp vận chuyển các container phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và chịu mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc tái xuất. Thời gian thực hiện tái xuất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan Hải quan. Cơ quan Hải quan cũng yêu cầu hãng tàu tái xuất tại cửa khẩu đường biển nơi đang lưu trữ phế liệu tồn đọng, ưu tiên tái xuất trước các lô hàng đã được phân loại là phế thải, chất thải; không sang hàng, đổi vỏ container (trừ trường hợp vỏ container bị hư hỏng, buộc phải đổi vỏ). Đề nghị Hãng tàu thông báo bằng văn bản đến Hội đồng và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài gòn khu vực 1 các thông tin cụ thể về phương án tái xuất lô hàng, bao gồm: thời gian, phương thức, tuyến đường, quốc gia, người nhập khẩu và địa chỉ (nếu có), chuyến tàu dự kiến tái xuất, số hiệu và số niêm phong container lô hàng dự kiến tái xuất… Trường hợp hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu sử dụng hình thức chuyển cảng, tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, sang hàng, đổi vỏ container, sang container cho hãng vận chuyển khác để thực hiện tái xuất; hoặc không tái xuất theo yêu cầu nêu trên của Hội đồng xử lý hàng tồn đọng, cơ quan Hải quan yêu cầu hãng thông báo bằng văn bản đến Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển. Trong đó nêu rõ nguyên nhân, lý do; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án cụ thể để xử lý lô hàng phế liệu không đạt yêu cầu nhập khẩu.
|