Đón chào ông Nghiêm Giới Hòa và lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc các doanh nghiệp Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư tại Việt Nam góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, cũng như đóng góp vào sự phát triển của cả hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc “vừa là đồng chí, vừa là anh em” đang phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất và toàn diện; nhất là lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm "6 hơn". Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc có vai trò hết sức quan trọng.
Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 4 lần, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam. Năm 2023 và 11 tháng 2024, hợp tác đầu tư có bước tiến đột phá, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng về giao thông; đánh giá cao những hợp tác thời gian qua cũng như những đề xuất hợp tác thời gian tới của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương trong phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam. Cho rằng, thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán quyết định sự thành công, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn nghiên cứu, tham gia các dự án: xây dựng cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc; đường sắt đô thị hoặc tàu điện ngầm từ Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất tới Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên biên giới (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Quảng Ninh - Hải Phòng); cầu Ngọc Hồi nối Hưng Yên với Hà Nội… bằng hình thức, phương án phù hợp.
Lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc vui mừng trước quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Trung Quốc; cho rằng Việt Nam nhiều tiềm năng, lợi thế để hợp tác, đầu tư như: có lợi thế phát triển kinh tế biển, nhất là năng lượng gió ngoài khơi; có cấu trúc dân số "vàng"; tăng trưởng kinh tế và mức thu nhập ngày càng tăng; môi trường đầu tư thuận lợi; Việt Nam luôn luôn tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; có hạ tầng ngày càng hiện đại… Trên nền tảng quan hệ hai nước, lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực: xây dựng, năng lượng, thương mại, bất động sản, thiết bị điện, điện tử, môi trường, y tế, sinh học, hóa chất, vật liệu mới, nông sản...
Nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính; cho biết, với kinh nghiệm của Trung Quốc cũng như tại Việt Nam trong triển khai các dự án hợp tác công tư phát triển hạ tầng, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và các doanh nghiệp Trung Quốc với tiềm lực, kinh nghiệm của mình mong muốn tham gia các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam; cam kết đảm bảo chất lượng tốt nhất, giá thành rẻ nhất, kiến trúc đẹp nhất và tiến độ tốt nhất; biến các công trình hạ tầng này thành biểu tượng trong quan hệ hai nước, để Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của mình.