Đây là một nội dung quan trọng trong chương trình hợp tác về khoa học công nghệ giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Hội Điện lực Việt Nam (VEEA).
Quan tâm, chú trọng đến chuyển đổi số ngành điện Nhu cầu về năng lượng nói chung, điện năng nói riêng ngày càng tăng đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho ngành điện, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh vừa phải đảm bảo điện năng cho phát triển kinh tế xã hội, vừa phải đảm bảo các yêu cầu về dịch chuyển năng lượng như cam kết của Việt Nam tại COP26 “Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành điện là phải nâng cao, tối ưu hoá hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia. Trước yêu cầu trên, ông Mai Quốc Hội - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Điện lực Việt Nam khẳng định, các vấn đề được đưa ra thảo luận tại các phiên họp đều mang tính thời sự, như: dự thảo Quy hoạch Điện VIII; các vấn đề của ngành Điện trong tình hình thực hiện cam kết của Việt Nam về Net Zero tại COP26; phát triển điện gió, điện mặt trời; vai trò của điện than, hay các vấn đề về tổn thất điện năng, chuyển đổi số ngành điện... Để giải quyết được yêu cầu này, song song với các biện pháp đang được thực hiện như: Đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn, lưới điện đảm bảo cung ứng điện cho phụ tải và khả năng giải tỏa các nguồn điện, xuất nhập khẩu điện, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp về tăng cường khung pháp lý và các giải pháp về vận hành ổn định nguồn năng lượng tái tạo, tính toán giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời đảm bảo điều kiện về ổn định, tính toán giới hạn thâm nhập của điện mặt trời theo từng giai đoạn,… thì việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực là một xu hướng, yêu cầu tất yếu. Đại diện lãnh đạo Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực phù hợp với chủ trương của Chính phủ thông qua Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả. Kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng. EVN phấn đấu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN nhìn nhận, với đặc thù là một ngành công nghiệp hoạt động mang tính hệ thống, có trình độ công nghệ cao và hiện đại, ngành điện đã và đang nỗ lực lao động, học tập, tích lũy kinh nghiệm, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật, công nghệ hiện đại để quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả trang thiết bị trong hệ thống điện Việt Nam.
Đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong toàn hệ thống điện Việt Nam là 78.300MW, trong đó tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 26,5%. EVN và các đơn vị trong EVN quản lý vận hành 29.800MW, chiếm tỷ lệ 38% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Số lượng khách hàng sử dụng điện của EVN trên cả nước cũng đã lên tới trên 30 triệu khách hàng. Mặc dù quy mô hệ thống điện quốc gia ngày càng lớn, mức độ phức tạp ngày càng cao, nhưng thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, EVN đã chỉ huy vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả hệ thống điện Việt Nam, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh năng lượng quốc gia. Liên quan đến công tác chuyển đổi số, ông Dương Quang Thành cho biết, EVN đã sớm tiếp cận và triển khai các kế hoạch, giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của các công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của EVN và các đơn vị thành viên. Đề án Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam đặt rõ mục tiêu: Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Năm 2021, với chủ đề năm là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam”, EVN quyết tâm chỉ đạo và thực hiện thành công đề án trong toàn tập đoàn. Đến nay, các nhiệm vụ chuyển đổi số của toàn EVN đều đã đạt được những kết quả rất tích cực, từ sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng đến quản trị doanh nghiệp… Trong 4 năm liên tiếp, EVN và các đơn vị thành viên đạt được giải thưởng doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2022 đã diễn Triển lãm về các giải pháp, thiết bị, sản phẩm tiêu biểu của ngành điện.
Theo đó có 8 phần mềm, 13 thiết bị và giải pháp đến từ 10 đơn vị thuộc EVN đã được trưng bày tại triển lãm như: Hệ thống Quản lý vận hành điện mặt trời mái nhà; phần mềm xử lý dữ liệu thời gian thực HTĐ – WEB SCADA; phần mềm tính toán tổn thất điện năng Nemo; thiết bị chỉ thị cảnh báo lưới trung áp...
|