(CMO) Là địa phương chuyên về nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, đặc biệt là sản xuất, cung cấp tôm giống và nuôi tôm thương phẩm, tuy nhiên, sau khi Thông tư 26 ngày 30/6/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản ra đời, việc quản lý chất lượng con giống trên địa bàn huyện Năm Căn gặp nhiều bất cập.Căn cứ vào thông tư trên, tôm giống xuất tỉnh mới bắt buộc kiểm dịch. Mặt khác, các chủ cơ sở sản xuất tôm giống không nhất thiết phải kiểm tra chất lượng con giống trước khi tiêu thụ nội địa. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân tại địa phương, bởi không có cơ sở kỹ thuật nào xác định chất lượng tôm giống trước khi thả nuôi.
Trạm phó Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Năm Căn Tống Văn Mơ cho biết, từ đầu năm 2017, huyện đã áp dụng các quy định theo Thông tư 26. Như vậy, khi kiểm tra thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất tôm giống đều nắm rõ. Khi nhu cầu của bà con địa phương mua tôm của cơ sở yêu cầu kiểm dịch, khi đó cơ sở mới đăng ký kiểm dịch tôm giống, một phần giảm chi phí cho cơ sở. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm tra chất lượng giống nội địa”. Nông dân Nguyễn Văn Đảm, ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, cho biết, so với khoảng 5-6 năm về trước, sản lượng tôm nuôi của gia đình hiện nay giảm còn một nửa. Do đó, việc không quy định kiểm dịch con giống tiêu thụ tại địa phương làm cho ông Đảm không khỏi lắng lo về chất lượng. Và vì thế, vụ mùa trúng hay thất còn phụ thuộc vào vận mệnh "trời cho". "Tôi không thể xác định chất lượng con giống bằng cảm quan. Tôi chỉ ước lượng khoảng tôm thu hoạch sau mỗi đợt thả từ 4-5 tháng, lúc đó mới biết mẻ tôm nào chất lượng và biết bắt tôm giống của trại nào", ông Đảm chia sẻ. Ông Nguyễn Duy Thái, cùng ấp Xẻo Sao, cho rằng, việc quản lý chất lượng tôm giống không chỉ nhiệm vụ phía Nhà nước mà còn là lương tâm của nhà sản xuất. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của huyện Năm Căn trên 25.000 ha, theo đó nhu cầu sử dụng tôm giống rất cao. Với gần 300 cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn, mỗi năm cho ra hơn 1,6 tỷ post giống, đáp ứng 50% nhu cầu người nuôi trong huyện. Kết thúc vụ nuôi, có được vụ mùa bội thu hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng con giống đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ông Nguyễn Duy Thái mong rằng các quy định của Nhà nước nên xuất phát từ thực tế nhu cầu và hiệu quả sản xuất của người dân. Việc ban hành thông tư trên là không phù hợp, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với người sản xuất. Ông Tống Văn Mơ cho biết, trong năm 2016, số lượng tôm post giống được kiểm tra chất lượng trên 1,2 tỷ con. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2017, số lượng kiểm tra chỉ bằng con số không. Hiện tại, các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn chỉ đăng ký kiểm dịch khi có nhu cầu xuất bán tôm ngoài tỉnh. Đầu năm đến nay, diện tích tôm nuôi bị bệnh trên địa bàn huyện Năm Căn trên 180 ha, trong đó, tôm công nghiệp trên 12 ha và quảng canh cải tiến trên 170 ha. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chắc chắn có nguyên nhân từ con giống kém chất lượng do không qua kiểm dịch. Như Quỳnh |