Xu hướng tăng mạnh Những ngày qua, người tiêu dùng không khỏi bất bình trước thông tin “thuốc chữa ung thư” Vinaca được sản xuất từ than tre tại cơ sở tồi tàn, không được chứng nhận cấp phép tại Hải Phòng. Trong khi đó, sản phẩm này lại được bày bán công khai tại 400 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc và trên các trang mạng với giá hàng trăm nghìn đồng cùng lời giới thiệu là “thần dược” với “công thức bí mật của tập đoàn uy tín thế giới”. Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc dược phẩm giả, kém chất lượng bị phanh phui trong thời gian gần đây. Ngày 9/3, Thanh tra Sở Y tế phối hợp đoàn liên ngành của huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) kiểm tra nhà bà Lê Kim Hoa (xã Trường Thắng, huyện Thới Lai), phát hiện và tịch thu 312.600 viên thuốc đông dược thành phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở này không có bảng hiệu, không có giấy phép hoạt động, những người tại nơi sản xuất thuốc không có chứng chỉ hành nghề. Ngày 10/4, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phát hiện lượng lớn thuốc đông dược do Phạm Văn Hiệp (Hải Hậu, Nam Định) làm chủ hàng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ; tổng số hàng hóa gồm hơn 1.560 sản phẩm các loại, giá trị khoảng hơn 325 triệu đồng... Đánh giá về thực trạng này, PGS-TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế - thừa nhận: Các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng. Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho biết: Quý I/2018, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 16.396 vụ vi phạm, trong đó có 1.481 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả. Không ít trong số này là dược, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, nhiều vụ việc có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tăng cường quản lý Đối với vụ việc Vinaca, Bộ Y tế đã có thông báo khẳng định: Sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép lưu hành và cũng không được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không sử dụng sản phẩm này và đề nghị khi phát hiện những cơ sở sản xuất tương tự cũng như các đối tượng đang rao bán báo ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất kịp thời xử lý, ngăn chặn. Về phương án lâu dài, để chủ động phối hợp triển khai nhằm phòng chống, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng kịp thời hiệu quả, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 ngày 13/7/2015 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, hàng giả là thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung rà soát hoạt động cấp phép sản xuất, nhập khẩu, hợp quy, kiểm tra chất lượng mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả. Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh tăng cường kiểm tra, thanh tra tại địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
|