Vượt khó, xuất nhập khẩu lập kỷ lục Theo Bộ Công Thương, năm 2022, dù chịu nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp, dị biệt của kinh tế thế giới, nhưng xuất khẩu nhập vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng 8,1%, đóng góp gần 2,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, đưa nước ta vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Dù vậy, năm 2023 được dự đoán tình hình thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức: tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể (dự báo năm 2023 chỉ tăng khoảng 1,7%) do lạm phát còn diễn biến phức tạp, lãi suất tăng cao; tác động của xung đội Nga- Ukraine khiến đầu tư giảm và làm gián đoạn các nguồn cung nguyên liệu, năng lượng suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu. Ở trong nước, sức mua mặc dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Sản xuất và xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn do đơn hàng mới giảm, chi phí sản xuất cao do giá nguyên, nhiên liệu và chi phí logistics tăng cao; doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn còn khó khăn, lãi suất tăng cao. Trong tháng đầu năm 2023, do có hai kỳ nghỉ tết (Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán) đơn hàng bên ngoài giảm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết. Vì vậy, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,6 tỷ USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ tăng 1,3%). Xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh mục tiêu đặt ra đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại; tập trung tháo gỡ “rào cản” kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới, thị trường lân cận còn tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam ở các thị trường ngoài nước. Chú trọng phát triển dịch vụ logistics, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Tăng cường đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng, gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc; chú trọng phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại đã thực thi để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Với thị trường trong nước, tiếp tục đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 đã qua 1 tháng, những tác động bên ngoài làm cho sản xuất giảm đơn hàng, kéo theo là công nghiệp giảm, áp lực lạm phát trong năm 2023 sẽ vẫn còn lớn. Thời gian qua Bộ Công Thương đã rất tích cực trong công tác xuất nhập khẩu và đàm phán các FTA. Cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán hai FTA còn lại để góp phần đa dạng hoá, thị trường, sản xuất và chuỗi cung ứng; khai thác hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, cần tập trung thảo luận, giải quyết các vấn đề tồn đọng như 4 quy hoạch gồm: quy hoạch năng lượng, hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt, thăm dò khai thác khoáng sản và đặc biệt là quy hoạch điện VIII, làm sao mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, cho đất nước. Thủ tướng cũng đã chỉ ra những tồn tại hạn chế, cũng như chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công Thương cần triển khai trong thời gian tới. |