Đầu năm học mới,ọngchấtlượngngaytừđầunămhọáo vs estonia các cấp học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, bằng những phong trào, hoạt động và việc làm cụ thể.
Tiết học của học sinh Trường THCS Hoàng Diệu.
Năm học 2016-2017, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thị xã Long Mỹ có trên 30 lớp, với tổng số 1.059 học sinh đang theo học. Với số lượng học sinh đông hơn các trường trên địa bàn, để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã bắt đầu xây dựng những kế hoạch trọng tâm. Ông Phạm Ngọc Toán, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngoài kế hoạch giảng dạy chung, nhà trường luôn hướng đến phong trào mũi nhọn là chọn và bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở các môn toán, Anh văn, tin học… Nhờ sự chủ động này mà hàng năm trong các hội thi cấp thị xã, cấp tỉnh, học sinh của trường luôn đạt các giải thưởng cao. Song song đó, trường cũng thường xuyên mở các chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên. Tuy nhiên, hiện trường đang gặp khó về cơ sở vật chất như thiếu phòng chức năng, phòng ban giám hiệu, phòng y tế…”. Ngôi trường này được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2000, nhưng do những năm qua, sĩ số của các lớp quá đông và thiếu một số phòng chức năng nên trường vẫn chưa thể tái công nhận trường đạt chuẩn.
Không riêng gì ở cấp tiểu học, các trường THCS cũng đang gấp rút cho học sinh kiểm tra chất lượng đầu năm, để từ kết quả này có thể điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp. Ông Trịnh Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Hàng năm, để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn chú trọng rất nhiều đến việc khắc phục tình trạng học sinh yếu, kém. Bên cạnh đó, nhà trường còn cho giáo viên tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, cụ thể là cho các em kiểm tra chất lượng đầu năm, để biết được năng lực học sinh đang ở mức nào, nhất là đối với học sinh đầu cấp lớp 6. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên trong quá trình giảng dạy cần tập trung vào học sinh, cho các em hoạt động nhiều hơn, để đẩy mạnh tinh thần tự học, tìm tòi và sáng tạo ở các em”.
Hòa chung niềm vui năm học mới, Trường THPT Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, năm nay sẽ vui hơn khi trường vừa được xây dựng 2 phòng chức năng. Đây sẽ là động lực lớn để giúp trường tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, từ đây các kế hoạch giảng dạy được cụ thể hóa hơn nhờ các phòng chức năng mới này. Ông Nguyễn Trình Thế Tâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Từ đầu tháng 8, trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Khi bắt đầu năm học mới, chúng tôi cũng lưu ý giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chú trọng tính tự học, tự sáng tạo ở học sinh... Đồng thời, nhà trường cũng triển khai phong trào làm đồ dùng dạy học đến mỗi giáo viên. Trước giờ, học sinh của trường khi học thực hành chỉ được xem thí nghiệm ảo trên máy tính, chứ không được trực tiếp thực hành như các trường khác, nhưng năm nay, nhờ có thêm phòng thực hành, điều kiện học tập đầy đủ hơn. Đây sẽ là động lực lớn để giúp trường đạt được nhiều thành tích hơn nữa. Theo đó, mục tiêu của nhà trường đặt ra cho năm học này, là phải làm sao để hơn 95% học sinh có học lực từ trung bình trở lên và tập thể nhà trường đang nỗ lực thi đua để đạt kế hoạch đề ra”.
Mỗi cấp học đều nỗ lực và chủ động, để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học. Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết: “Căn cứ vào kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay từ đầu năm học mới, chúng tôi đã cho triển khai nhiệm vụ năm học đến tất cả các trường. Để từ đó các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả. Trong đó, chúng tôi cũng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường kỷ cương, nề nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học; tăng cường cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao… Làm được và làm tốt những điều này sẽ là nền tảng để chất lượng giáo dục được giữ vững và nâng cao hơn”.
Bài, ảnh: MỸ XUYÊN