【c2 bxh】Sửa Luật Giá: Ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong hoạt động thẩm định giá

作者:Nhận Định Bóng Đá 来源:Thể thao 浏览: 【 】 发布时间:2025-01-25 06:08:44 评论数:
Sửa Luật Giá: Ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong hoạt động thẩm định giá
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TL.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, Luật Giá được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Trong thời gian qua, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, sau gần 9 năm thực hiện, đến nay bối cảnh kinh tế - xã hội đã có những thay đổi, hệ thống pháp luật dân sự kinh tế ngày càng được hoàn thiện hơn, cũng đã có những tác động nhất định đến công tác quản lý giá và thẩm định giá. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Hồ sơ sửa đổi Luật giá với 9 nhóm chính sách, trong đó có 3 nhóm chính sách liên quan đến thẩm định giá.

Theo Cục Quản lý giá, đến thời điểm hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về thẩm định giá về cơ bản đã được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Bộ Tài chính đã ban hành Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam bao gồm 13 tiêu chuẩn quy định và hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ đối với dịch vụ thẩm định giá, trong đó có quy định cụ thể về các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá đối với các loại tài sản như: bất động sản, máy thiết bị, doanh nghiệp, tài sản vô hình…

Tính đến hết tháng 6/2022 cả nước có 431 doanh nghiệp được cấp mã Giấy chứng nhận, trong đó chỉ có hơn 300 doanh nghiệp đủ điều kiện và đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Việc áp dụng quy định mới tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP đã siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá, hướng tới nâng cao chất lượng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được đánh giá là còn quá mở, dẫn đến số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng vượt quá định hướng phát triển nghề giai đoạn 2013 - 2020.

Về rà soát điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá năm 2022 theo quy định mới tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, kết quả chỉ có 279 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động từ ngày 1/1/2022 so với tổng số 364 doanh nghiệp hoạt động trong năm 2021 (chiếm tỷ lệ 77%, giảm 23% doanh nghiệp), đồng thời cũng chỉ bằng 84% so với số doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động được công bố vào đầu năm 2021.

Cục Quản lý giá cũng chỉ ra, bên cạnh những thành công trong công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ thẩm định giá giai đoạn qua, đã phát sinh những tồn tại, như: hiệu quả quản lý chưa như mong muốn; hình thành nhiều doanh nghiệp nhỏ với số lượng thẩm định viên tối thiểu. Ngoài ra, đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ… dẫn đến tình trạng không bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, gây bức xúc trong dư luận và xã hội…

Nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá đầy đủ và đồng bộ; nghiên cứu sửa đổi Luật Giá về thẩm định giá, các văn bản hướng dẫn để kiện toàn các quy định nhằm ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong hoạt động thẩm định giá.

Đồng thời Bộ Tài chính sẽ rà soát, hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá, đảm bảo phù hợp với điều kiện của Việt Nam và các tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế; tăng cường hoạt động quản lý kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá; thực hiện nghiêm, kịp thời việc xử lý thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá làm cơ sở tham chiếu khi thực hiện thẩm định giá.