Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015", do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức vào ngày 24-10 tại Hà Nội. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng như GDP tăng 30 lần trong 25 năm, xuất khẩu cũng tăng 30 lần trong 20 năm, giúp Việt Nam thoát khỏi danh sách nước nghèo. Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong một vài năm trở lại đây, nhiều tổ chức và ngân hàng quốc tế đã đề cập về khả năng Việt Nam trở thành trung tâm gia công của thế giới. Thực tế cho thấy, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% vốn đầu tư vào Việt Nam cũng tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ riêng trong năm 2015, có trên 80% vốn đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này. Đây là những tín hiệu thuận lợi. “Do đó, chúng ta cần làm rõ Việt Nam cần đi sâu vào vấn đề gì, nhu cầu dịch chuyển trung tâm thế giới thế nào và Việt Nam có sự chuẩn bị tiếp nhận cơ hội hay không?”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng lưu ý việc tìm hiểu nguyên nhân tại sao các nhà đầu tư có sự chuyển dịch từ nước này sang nước khác để có sự ứng phó và chuẩn bị. Đặc biệt, chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu xem, Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp trong bao lâu nữa. Cũng về vấn đề trên, theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam nêu rõ, với cơ cấu kinh tế như hiện nay, ngành công nghiệp, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, trở thành một bộ phận then chốt và là động lực phát triển cho các doanh nghiệp. Không những thế, ngành Ngân hàng Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xứng đáng với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế. Việc phân bổ vốn tín dụng ngày càng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cho rằng, ngành chế biến, chế tạo vẫn chưa có sự phát triển đồng đều, doanh nghiệp còn khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Do đó, để Việt Nam tiến tới trở thành điểm đến của tác tập đoàn đa quốc gia, trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới, chúng ta phải nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực. Mặc dù tín hiệu đã có nhưng để thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần phải có những biện pháp đột phá về thể chế, chiến lược, có sự hội nhập chuyên nghiệp hơn và phải tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chính sách tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với ngân hàng, doanh nghiệp với khu vực hay giữa các chuỗi sản xuất với nhau… Đồng quan điểm, PGS.TS Tạ Lợi, Trường Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị Nhà nước nên mở ra 2 quỹ: một là quỹ hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo; thứ hai là quỹ đầu tư mạo hiểm để đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển khi chưa thể vay vốn theo tài sản đảm bảo. Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý, các Hiệp hội ngành nghề đã đưa ra ý kiến đóng góp để Việt Nam thuận lợi tiến tới mục tiêu trên như: Phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển logistics, nâng cao trình độ nhân lực, tăng cường thu hút đầu tư FDI nhưng phải có sự chọn lọc những dự án có tính lan tỏa để các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tham gia… |