Giám sát hàng hóa theo chuỗi
Theo Tổng cục Hải quan, yêu cầu của đề án này đối với hàng NK là quản lý, giám sát hàng hóa xuyên suốt từ khi phương tiện vận tải nhập cảnh, dỡ hàng từ phương tiện xuống cảng đưa vào kho/bãi, làm thủ tục nhập khẩu, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan để tiêu thụ nội địa hoặc chuyển sang chế độ hải quan khác (gia công, sản xuất XK…). Đối với hàng hóa XK, hệ thống giúp quản lý, giám sát hàng hóa xuyên suốt từ khi hàng hóa được tập kết để XK, làm thủ tục XK, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được đưa vào sân bay và kho hàng không sau đó ra khỏi khu vực giám sát hải quan và chất lên phương tiện vận tải để XK ra nước ngoài.
Làm rõ về bài toán quản lý của hệ thống giám sát hàng hóa, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết, giải pháp CNTT là sẽ triển khai hệ thống tập trung phục vụ cho việc trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và các DN kinh doanh kho hàng không, các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giải quyết 3 bài toán: Quản lý, giám sát hàng hóa tại các địa điểm chịu sự giám sát hải quan; giám sát vận chuyển hàng hóa giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan; bài toán phụ trợ để hỗ trợ công tác quản lý hải quan. Quản lý rủi ro sẽ được áp dụng xuyên suốt quán trình quản lý, giám sát hàng hóa để hỗ trợ xác định các đối tượng kiểm tra trọng điểm phục vụ soi chiếu trước/sau… từ đó nâng cao tính tuân thủ của DN.
Bài toán quản lý, giám sát tại các địa điểm là quản lý, giám sát dỡ hàng từ phương tiện vận tải xuống cảng và các địa điểm (NK); xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải rời cảng và các địa điểm (XK); theo dõi sự thay đổi, biến động bên trong cảng, kho hàng không và các địa điểm; giám sát hàng hóa đưa vào/đưa ra kho, bãi hàng không (đưa hàng vào/ra khu vực giám sát); theo dõi trừ lùi và quản lý hàng tồn tại kho, bãi hàng không. Bài toán giám sát vận chuyển hàng hóa giữa các địa điểm, hệ thống sẽ giúp giám sát, theo dõi vận chuyển hàng hóa giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan nhằm đảm bảo tính nguyên trạng của hàng hóa; thời gian vận chuyển; tuyến đường vận chuyển.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Để quản lý hàng hóa xuyên suốt các khâu trong quá trình giám sát, hệ thống sẽ sử dụng Số định danh hàng hóa. Theo đó, số định danh sẽ được cấp bởi hệ thống của hải quan. Đối với hàng hóa NK, hệ thống sẽ tự động gắn số định danh hàng hóa khi tiếp nhận hãng hàng không/đại lý hàng không/đại lý giao nhận khai báo thông tin manifest, vận đơn và các chứng từ liên quan để thực hiện thủ tục đối với tàu bay nhập cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Mỗi vận đơn thứ cấp sẽ được gắn một số định danh. Nguyên tắc tạo số định danh phải đảm bảo tính duy nhất và sẽ căn cứ trên các thông tin có sẵn trên vận đơn thứ cấp. Đối với hàng hóa XK, trước khi làm thủ tục XK, người khai hải quan sẽ lấy số định danh hàng hóa được cơ quan Hải quan cung cấp thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc thông qua phần mềm đầu cuối để khai báo tờ khai XK.
Để triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan Nguyễn Mạnh Tùng cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, để triển khai thành công được cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ quan Hải quan đến các DN và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên. Theo kế hoạch, Cục Hải quan Hà Nội sẽ triển khai đầu tiên đề án giám sát hàng hóa tại cảng hàng không Nội Bài. Trong thời gian đó, cục hải quan tỉnh, thành phố có liên quan cần có sự chuẩn bị để triển khai chính thức năm 2018. Cụ thể, sớm thành lập Ban triển khai tại các cục hải quan sẽ triển khai Hệ thống; rà soát, xác định phạm vi đối tượng tham gia; rà soát hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin của cơ quan Hải quan; xây dựng kế hoạch triển khai; tuyên truyền, phổ biến cho DN và công chức hải quan; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo về kỹ thuật và hệ thống công nghệ thông tin.
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã lần đầu tiên tổ chức hội thảo (ngày 5/7) triển khai đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng hàng không để phổ biến kế hoạch đối với các DN kinh doanh cảng, kho, bãi; các hãng hàng không và đại diện cục hải quan một số tỉnh, thành phố tham gia. Tại hội nghị này ông Nguyễn Mạnh Tùng đã khẳng định, cơ quan Hải quan cam kết tất cả quy định liên quan đến vấn đề quản lý, nghiệp vụ, công nghệ sẽ tuân thủ chuẩn mực quốc tế ngoại trừ các vấn đề cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý riêng của cơ quan Hải quan sẽ có quy định cụ thể để hướng dẫn DN thực hiện, điều này phù hợp với đặc thù quản lý hải quan của từng quốc gia.