Số vụ vi phạm tăng 57,5% Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình buôn bán hàng cấm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về điều kiện kinh doanh, gian lận thương mại... trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, mỹ phẩm, giày dép, thiết bị điện tử, phụ tùng xe máy... Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị chức năng và liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 562 cơ sở, xử lý 427 vụ vi phạm, tăng 57,5% (so với cùng kỳ năm 2022); xử phạt vi phạm hành chính gần 3,8 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước, tăng 144%. Các nhóm mặt hàng vi phạm nổi cộm và nhóm hành vi vi phạm phổ biến trên địa bàn đó là lĩnh vực: xăng dầu; khí dầu hỏa hóa lỏng; kinh doanh thuốc lá; hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; thương mại điện tử; vệ sinh an toàn thực phẩm; phân bón; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sở hữu trí tuệ; hàng hóa không rõ nguồn gốc...
Các lực lượng kiểm tra, phát hiện, xử lý 31 vụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; phạt hành chính hơn 386 triệu đồng; bán hàng hóa tịch thu hơn 536 triệu đồng, truy thu số lợi bất hợp pháp gần 8 triệu đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm có giá trị gần 508 triệu đồng; tịch thu hàng hóa vi phạm có giá trị gần 300 triệu đồng. Ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cho biết, số vụ việc vi phạm bị xử lý, số thu xử phạt vi phạm hành chính tăng vượt so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối ổn định; hàng hóa lưu thông trên thị trường phong phú, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân; chưa xảy ra tình trạng găm hàng, khan hiếm hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là trong thời gian diễn ra Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Cùng với đó, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật tư y tế, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vẫn cơ bản được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Đảm bảo ổn định thị trường là nhiệm vụ trọng tâm Theo ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục QLTT, trong 6 tháng cuối năm 2023, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả... trên địa bàn tỉnh nhiều khả năng diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.
Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trên địa bàn, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Cùng với đó, các đơn vị QLTT, lực lượng chức năng liên ngành sẽ triển khai kế hoạch, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về niêm yết giá, hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Qua đó, Ban Chỉ đạo 389 Đắk Lắk chỉ đạo lực lượng chức năng đặc biệt chú trọng kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm các hành vi liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu; các mặt hàng thiết yếu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm, sản phẩm thời trang, sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương…; tăng cường công tác quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên khâu lưu thông và trên nền tảng thương mại điện tử./.
|