Trước dự báo của cơ quan chuyên môn về khả năng nước mặn với nồng độ cao sẽ lấn sâu vào nội đồng ở nhiều địa phương trong tỉnh ngay thời điểm trước,ủđộngứngphxmnhậpmặket qua.nét trong và sau Tết Nguyên đán, ngành chức năng cùng người dân trong tỉnh đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để chủ động ứng phó.
Kiểm tra công tác vận hành tại cống ngăn mặn Năm Căn, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.
Người dân luôn cảnh giác
Vào mùa khô, Hậu Giang thường chịu ảnh hưởng nặng bởi tình hình xâm nhập mặn của thủy triều Biển Tây từ tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu tấn công vào. Hai địa phương thường chịu áp lực lớn của xâm nhập mặn là huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh khi nằm giáp ranh với những tỉnh trên. Chính vì vậy, hơn ai hết, người dân của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh là những người hiểu được sự khó khăn, vất vả nếu nước mặn xâm nhập vào nội đồng sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ đến đời sống và sản xuất. Do đó, với nhiều năm sống chung với xâm nhập mặn thì công tác cảnh giác và chủ động cùng với chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp ứng phó với nước mặn ngay khi có thông tin dự báo từ cơ quan chuyên môn hoặc theo kinh nghiệm sống đang được bà con ở những vùng thường bị ảnh hưởng mặn thực hiện quyết liệt.
Đang mở bao tấn miệng cống để dẫn nguồn nước ngọt từ sông Nước Đục phục vụ cho 1,5ha lúa Đông xuân của gia đình được gần 50 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Đương, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho hay: “Biết thông tin nước mặn sắp tấn công vào nên nhiều ngày qua bà con nơi đây tranh thủ vào thời điểm thủy triều dâng đã tiến hành đưa nước ngọt vào ruộng lúa, cũng như dự trữ đầy nước ngọt trong các mương, ao, kênh xung quanh nhà để phục vụ nhu cầu sản xuất. Đặc biệt, năm nay vừa đưa vào sử dụng công trình đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (đoạn thuộc ấp 7) cách nay khoảng 3 tháng đã giúp bà con an tâm rất nhiều trong phòng, chống xâm nhập mặn. Bởi, mỗi nhà giờ chỉ có việc lo đóng, mở cống hợp lý vào từng thời điểm là có thể ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng hiệu quả”.
Tiếp lời ông Đương, ông Nguyễn Văn Đa, ở cùng ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, chia sẻ: “Khi tuyến đê bao chưa hoàn thành thì vào lúc này mọi năm, bà con phải tích cực gia cố nhiều đoạn mặt lộ thấp để chủ động ngăn nước khi có nồng độ mặn cao từ sông tràn vào; riêng năm nay và nhiều năm về sau thì khỏe hẳn vì có đê bao kiên cố. Tuy nhiên, không vì thế bà con nơi đây chủ quan mà luôn theo dõi và kiểm tra kỹ nguồn nước bằng cách nếm thử trước khi mở nắp cống đưa nước vào nội đồng. Bởi tất cả đều hiểu rằng, nếu đưa nước có nồng độ mặn cao vào đồng không chỉ gây thiệt hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác nên ai nấy đều có tính tự giác cao trong phòng, chống xâm nhập mặn”.
Giống như người dân huyện Long Mỹ, mấy ngày nay, cùng với việc nắm bắt thông tin về nồng độ mặn của cơ quan chuyên môn thì bà con ở xứ này còn truyền tay nhau về chuyện nhiều người hành nghề giăng lưới bắt cá dưới sông Nước Đục liên tiếp dính nhiều cá sơn, cá dảnh. Khi có thông tin này là bà con nhanh chóng dùng bao đất, bao cát tấn các đầu miệng cống ngoài sông lại để ngăn nước không vào nội đồng nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái, khóm, hoa màu và lúa không bị ảnh hưởng do nước mặn. Nói về nguyên nhân, ông Võ Thanh Hà, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Theo kinh nghiệm sống ở vùng xâm nhập mặn này nhiều năm qua cho thấy, hai loài cá trên ít có ở đây trong điều kiện bình thường, chỉ khi nước mặn xâm nhập đến đâu là chúng bắt đầu di trú đến đó. Thông thường, chỉ sau vài ngày loài cá sơn, cá dảnh xuất hiện là nơi đó bắt đầu có nước mặn tấn công với nồng độ cao”.
Đập thời vụ ngăn mặn ở đầu kênh Thanh Thủy, thuộc ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, là một trong gần 60 đập thời vụ được huyện Long Mỹ đắp xong đến thời điểm này.
Ngành chức năng vào cuộc quyết liệt
Bên cạnh việc ý thức cảnh giác với nước mặn của người dân thì ngành chức năng tại các địa phương trong tỉnh cũng đã và đang triển khai nhiều công trình, phần việc trọng tâm trong phòng, chống xâm nhập mặn tại địa bàn mình phụ trách. Điển hình trên địa bàn huyện Long Mỹ, hiện địa phương này đã xuống gần 60 đập thời vụ để ngăn mặn, trong đó những đập thời vụ được xuống sớm đã cách nay hơn nửa tháng. Thông tin thêm từ ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ là ở những vùng có nguy cơ bị xâm nhập mặn cao như xã Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Xà Phiên, thị trấn Vĩnh Viễn,... đảm bảo hoàn thành các đập thời vụ trước ngày 25-12 (âm lịch) theo sự chỉ đạo của tỉnh; riêng các cống kiên cố cũng được huyện Long Mỹ vận hành đóng lại tất cả.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Ngoài những công việc được triển khai với tinh thần quyết liệt như trên thì đơn vị còn làm việc với các địa phương trong huyện về việc thống kê danh sách những hộ có nguy cơ thiếu nước ngọt trong mùa hạn, mặn để tiến hành cấp phát túi chứa nước ngọt (7.000 lít/túi) cho bà con. Đến nay, việc cấp phát túi nước ngọt cho người dân trong huyện được 36 túi. Song song đó, đơn vị còn xây dựng kế hoạch và giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, cũng như dịch hại trên cây trồng trước, trong và sau tết để các địa phương trong huyện tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất theo sự chỉ đạo của tỉnh.
Đối với thành phố Vị Thanh, hiện ngành chức năng của địa phương này đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức sửa chữa xong hệ thống cống ngầm dọc theo tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (đoạn đi qua địa bàn thành phố Vị Thanh), đồng thời tổ chức vận hành thử tất cả các cống đều hoạt động ổn định. Đến nay, các cống trên tuyến đê bao ngăn mặn thuộc địa bàn xã Hỏa Tiến đã được đóng xong, đến ngày 5-2 thì thành phố Vị Thanh tổ chức đóng 10 cống của đoạn đê bao ngăn mặn còn lại. Ngoài ra, thành phố Vị Thanh cũng hoàn thành xong việc đắp 3 đập thời vụ ngăn mặn trên địa bàn.
Ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Cùng với hệ thống cống, đập thì trước đó địa phương cũng thực hiện xong việc nạo vét nhiều tuyến kênh nội đồng để trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trước khi mùa hạn, mặn đến. Đặc biệt, hàng ngày địa phương đều cử cán bộ đi đo độ mặn tại các điểm chính trên địa bàn và tổ chức thông báo kết quả lên phương tiện thông tin đại chúng cho người dân được biết để có giải pháp ứng phó hiệu quả vào từng thời điểm cụ thể. Với sự chủ động thực hiện tích cực nhiều giải pháp, phần việc thì tin rằng đợt xâm nhập mặn năm nay thành phố Vị Thanh sẽ bảo vệ tốt diện tích sản xuất nông nghiệp cho người dân...
Theo kết quả đo mặn của ngành chức năng tỉnh trong ngày 4-2 vừa qua, độ mặn tại một số điểm chính trong tỉnh đang có dấu hiệu tăng và ở mức cao. Cụ thể, tại huyện Long Mỹ, độ mặn ở kênh Mười Thước là 1,6‰, UBND xã Lương Nghĩa 1,9‰, bến phà Ngan Dừa thuộc xã Lương Tâm 1,2‰, kênh Thanh Thủy ở xã Vĩnh Viễn A gần 0,3‰; còn tại thành phố Vị Thanh thì ở Kênh Lầu là 1,2‰, cầu Cái Tư 0,2‰, Kênh Mới 0,2‰... |
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC