Như vậy, đây sẽ là khu công nghiệp VSIP thứ 8 mà Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore triển khai tại Việt Nam và dự án này sẽ góp phần quan trọng tiếp tục khẳng định vị thế là nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam của nhà đầu tư đến từ Singapore này.
Thông tin từ VSIP cho biết, cho tới thời điểm này, các khu công nghiệp mà VSIP phát triển ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hải Phòng đã thu hút được hơn 600 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký lên tới 9 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 170.000 lao động. Những con số này rõ ràng đã cho thấy sự thành công của VSIP tại Việt Nam.
Nhưng không chỉ có VSIP, nhiều nhà đầu tư Singapore khác cũng đã và đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Đầu tháng 6 vừa qua, Mapletree Investment Pte Ltd đã quyết định mua lại tòa nhà Kumho Asiana Plaza Saigon tại quận 1, TP.HCM từ Kumho Industrial Company Limited và Asiana Airlines Incorporated.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng Mapletree khẳng định, đây là thương vụ mua bán một dự án bất động sản hoàn tất và đang hoạt động lớn nhất từ trước đến nay của Mapletree tại Việt Nam. Sau thương vụ này, khối lượng tài sản của Mapletree tại Việt Nam đã lên tới hơn 1 tỷ đô-la Singapore.
Hiện tại, Mapletree đang thi công Dự án Saigon South Place, một dự án phức hợp rộng 4,4 ha tại quận 7 (TP.HCM). Khi hoàn tất, Saigon South Place sẽ bao gồm tháp văn phòng loại A, khu tháp căn hộ dịch vụ và căn hộ chung cư nhà ở, trung tâm thuơng mại và mua sắm đang vận hành SC VivoCity.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các dự án đã hoàn tất với chất lượng cao, có thể thu lợi nhuận tức thời ở các thành phố lớn của Việt Nam như TP.HCM hay Hà Nội. Chúng tôi cũng mong muốn đầu tư vào các dự án đầu tư phát triển cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ chung cư nhà ở, căn hộ dịch vụ và các dự án phức hợp bằng toàn vốn của tập đoàn hay thông qua hợp tác với đối tác địa phương. Tất cả đầu tư của tập đoàn chúng tôi ở Việt Nam hướng đến tiếp tục mở rộng và phát triển quy mô doanh thu của tập đoàn, nhằm đem lại lợi nhuận cao và vững chắc”, ông Hiew Yoon Khong, CEO của Tập đoàn Mapletree nói.
Trước Mapletree, đầu năm nay, một đại gia bất động sản khác của Singapore là Keppel Land cũng đã mua lại 40% Dự án Empire City tại quận 2, TP.HCM, tương đương 93,9 triệu USD. Còn mới đây, nhà phát triển năng lượng điện gió Singapore The Blue Circle cũng đã thông báo nhận được giấy chứng nhận đầu tư cho dự án 40 MW tại tỉnh Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 60 triệu USD.
Trong khi đó, ông Bill Stoops, đại diện Dragon Capital tiết lộ, quỹ này đang có sẵn 1 tỷ USD và sẵn sàng tham gia rót vốn đầu tư vào các công ty tài chính và ngân hàng, vì các nhà đầu tư rất lạc quan về tiềm năng thị trường Việt Nam.
Thực tế, Singapore đã luôn là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Hàng loạt tên tuổi lớn của quốc đảo này đã có những dự án lớn tại Việt Nam, như Banyan Tree với Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô có tổng vốn 875 triệu USD; VinaCapital với Dự án Nam Hội An, vốn đầu tư 4 tỷ USD; hay Keppel Land, CapitaLand với hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam…
Ngoài những cái tên đình đám nói trên, còn có thể kể đến KinderWorld với loạt trường quốc tế ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và vẫn đang tiếp tục các kế hoạch đầu tư mới.
Tuy nhiên, không dừng lại ở các kết quả hiện tại, các doanh nghiệp Singapore vẫn đang âm thầm tìm kiếm những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới tại Việt Nam. Theo bà Leow Siu Lin, Tổng lãnh sự Singapore tại Việt Nam, các doanh nghiệp Singapore luôn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với dân số trẻ, lao động dồi dào, có kỹ năng tốt và là thị trường lớn trong khu vực Đông Nam Á.
“Đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam, các doanh nghiệp Singapore đang tiếp tục đầu tư vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ, Dự án One Hub Sài Gòn của Công ty Ascendas tại TP.HCM tập trung vào sản xuất công nghệ cao và công nghệ thông tin”, ông Yuen Siu Hong, Phó đại sứ Singapore tại Việt Nam nói và cho rằng, ngoài đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống, như bất động sản và khu công nghiệp, các doanh nghiệp Singapore đã và đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, như sản xuất (bao gồm chế biến thực phẩm và điện tử) và dịch vụ (bao gồm hậu cần và vận hành cảng).
“Cùng với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, đi kèm với nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ hiện đại, các doanh nghiệp Singapore cũng muốn đầu tư vào các lĩnh vực mới, như ngân hàng, y tế và viễn thông. Ngoài ra, giới đầu tư Singapore rất quan tâm tới quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam”, ông Yuen Siu Hong nhấn mạnh.
Thực tế, cơ hội thúc đẩy đầu tư giữa Việt Nam và Singapore đang ngày càng được mở rộng, không chỉ vì quan hệ Việt Nam - Singapore hợp tác song phương ngày càng tốt đẹp, mà còn vì các cam kết đa phương mà cả Việt Nam và Singapore đều là thành viên, như TPP, AEC... Các chuyến thăm cấp cao của các vị lãnh đạo hai nước, trong đó có chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bắt đầu từ hôm nay (29/8), sẽ là cơ hội to lớn để hai bên thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.