Ông Từ truyền tin đám cưới qua hệ thống loa
Vì cái tình
Dàn rạp đám cưới còn bao trùm khoảng sân rộng ở nhà của chị Võ Thị Hoa,àngkhôngthiệpcướnhận định barca vs sinh năm 1969. Trong gian nhà chính, các mâm sính lễ vẫn còn nguyên. Niềm nở, chị Hoa nói: “Nhà tôi dọn khách 15 mâm, trong đó chỉ có 3 mâm khách phương xa là phải gửi thiệp. Phương xa chưa hẳn… xa thiệt, chỉ cần ngoài làng là gửi rồi”.
Lý giải cho việc mời không cần thiếp, người phụ nữ vui vẻ này cho biết: “Đây là phong tục của làng. Cả nhà tôi, rồi bà con cô bác, hàng xóm ai cũng quen với nó cả. Đám cưới là chuyện vui, nếu gửi thiệp thì có khác chi… đòi nợ”. Theo chị Hoa, ngoài là gánh nặng tâm lý, việc đi gửi thiệp cưới cũng rất mất thời gian. “Nhà tôi ít khách, chứ nhà nhiều khách thì đi gửi thiệp rất bất tiện, lại tốn tiền in thiệp. Đó là chưa kể nhỡ mời sót nhà bà con thì rất xấu hổ”, người phụ nữ 49 tuổi lý giải.
Đám cưới không thiệp là nếp quen ở làng Xuân Thiên Hạ (Ảnh minh họa)
Đồng tình với chị, ông Nguyễn Ngọc Từ, Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ gật gù: “Đây là lệ xưa nay của làng Xuân Thiên Hạ, chúng tôi cũng không biết nó có từ khi nào. Tục lệ này thể hiện cái tình, cái lý rất rạch ròi. Nếu nhà ai có việc hiếu hỉ, khách sẽ tùy cái tình thân sơ mà đến, không cần đợi mời. Ngược lại, nếu họ xét thấy chưa đủ thân, hoặc trong nhà đang kẹt tiền, thì việc không mời thiệp sẽ giúp họ vơi bớt gánh nặng khi không thể đi”.
Tôn trọng phong tục, song là người lo xa nên ông Từ đã thử gửi thiệp mời đám cưới khi con trai thành hôn. Với người trưởng thôn kiêm trưởng làng này, để không sót thân hữu, ông đã cẩn thận lập danh sách khách mời. 600 tấm thiệp được gửi đến từng hộ gia đình, ấy thế nhưng sự cố sót khách vẫn xảy ra. Thế là đích thân ông Từ phải đến nhà bà con xin lỗi.
Thông báo bằng... loa
Do địa bàn rộng lớn, và mong muốn ai cũng biết đến tiệc hiếu hỉ, bà con trong làng đã đề nghị đưa việc thông báo rộng rãi tin cưới vào quy ước của làng. Nhờ hệ thống âm thanh đặt tại nhà, ông Từ đã phát không biết bao nhiêu tin đám cưới qua loa. Tận mắt nghe hình thức thông báo mới mẻ này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi một nét văn hóa lạ và độc đáo.
Bằng chất giọng trầm ấm nhưng rõ ràng, chắc chắn, người trưởng làng đằng hắng, phát tiếng vang vang: Alô, alô… Mời bà con nghe thông báo của ban điều hành làng. Ngày mai gia đình bà Võ Thị Hoa có tổ chức lễ vu quy của con. Vậy, ban điều hành làng thông báo cho bà con thân sơ của gia đình bà Võ Thị Hoa được biết để đến chúc mừng…
Để ước lượng khách mời, phong cách mừng tiền cưới và cách dọn tiệc của các đám cưới tại làng Xuân Thiên Hạ cũng rất khác. Chị Hoa chia sẻ: “Thông thường khách sẽ đến chơi và mừng tiền vào buổi tối. Từ đây tôi sẽ ước lượng chọn số mâm, và báo cho nhà hàng. Với đám cưới này, số mâm được tôi chốt lúc 9 rưỡi tối. Gia đình cũng đặt dôi chừng 2 đến 3 bàn để đảm bảo những khách không đi được buổi tối vẫn có chỗ”.
Nét văn hóa đặc biệt này không chỉ có ở làng Xuân Thiên Hạ. Tại làng Xuân Thiên Thượng, việc mời cưới không thiệp đã xuất hiện từ lâu, song đã mất dần. Trải qua bao thăng trầm, tục lệ này đã trở thành “đặc sản”, và ngày càng ăn sâu vào máu thịt con dân làng Xuân Thiên Hạ. Theo ông Nguyễn Ngọc Từ, chỉ cần dịch chân qua làng khác thì người Xuân Thiên Hạ đã viết thiệp.
Không chỉ tiệc cưới, với những đám tang trong làng, bà con cũng thường đến nhờ ông thôn trưởng thông báo. Trong lúc tang gia bối rối, sẽ có những lúc gia chủ ngạc nhiên trước những người hàng xóm bình thường nhất. Họ sẽ giúp bưng bê trà nước, dựng rạp, và làm các việc như người thân trong nhà. Dù trước đó hàng xóm láng giềng chỉ từng chào nhau, thế nhưng như ông Từ kết luận: “Tình làng nghĩa xóm, bà con quý mến nhau thì sẽ giúp nhau”.
Bài, ảnh:Mai Huế