"Lợi nhuận gấp 30 lần"
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Buôn lậu thuốc lá lợi nhuận cực cao. Một bao Jet, Hero ở bên kia biên giới Campuchia chỉ 3.500 đồng/bao, nhưng về Việt Nam bán với giá 15.000 đồng. Như vậy lợi nhuận gấp trên 300%. Với mức lợi nhuận đó thì có "treo cổ" họ cũng làm. Đó là thách thức kinh khủng với lực lượng chức năng.
| ||
Ông Nguyễn Văn Cẩn, |
Ông Nguyễn Trọng Tín nói: Tôi khẳng định buôn lậu thuốc lá ở tuyến Tây Nam là mạnh nhất, sau đó là TP.HCM, tuyến Quảng Trị không thể mạnh bằng. Cụ thể địa bàn Long An là điểm nóng bỏng nhất. Ở đó có đường biên giới rất thuận tiện chạy nhanh về TP.HCM tập kết, tiêu thụ. Trước đây các đối tượng công khai buôn lậu, nhưng bây giờ chuyển sang hình thức lén lút, tinh vi hơn. Các đối tượng thuê cửu vạn, người chuyên canh gác lực lượng chức năng, khi di chuyển là họ thông báo cho giới vận chuyển hàng dừng lại. Hoặc khi lực lượng phải thay ca, các đối tượng sẽ hoạt động. Bây giờ buôn lậu thuốc lá diễn ra chủ yếu vào ban đêm, các đối tượng hoạt động rất mạnh. Trong đó lực lượng của chúng ta còn mỏng.
Còn ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam bày tỏ: Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ trang bị thêm cho các lực lượng chức năng như Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Thuế, Hải quan, Công an cửa khẩu, Quản lý thị trường về trang thiết bị. Hiện nay buôn lậu thuốc lá được trang bị rất hiện đại, các đối tượng sử dụng các tàu cao tốc có tốc độ nhanh hơn tàu của Cảnh sát biển đến 3 lần, vì vậy không thể đuổi và truy bắt được. Ô tô, mô tô phân khối lớn cũng vậy. Các lực lượng chức năng thua buôn lậu ở phương tiện. Tôi cũng kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội nên trích 50% Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá do các DN thuốc lá đóng góp để trang bị cho lực lượng chức năng. Bởi mục tiêu của Quỹ này là phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá lậu lại độc hại hơn, tác hại nhiều hơn, lại trốn thuế Nhà nước, nên việc trích 50% quỹ sẽ giúp lực lượng chức năng làm việc hiệu quả hơn.
Kỳ vọng vào "cú đấm thép"
Thuốc lá lậu tung hoành từ Bắc đến Nam khiến cơ quan quản lý và DN "sốt ruột" đề nghị một giải pháp mạnh mẽ. Thực tế, cách đây 24 năm, buôn lậu thuốc lá cũng đầy nhức nhối. Khi đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị riêng (Chỉ thị 278-CT ngày 3-8-1990) về chống buôn lậu thuốc lá. Theo nhận định của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, sau khi thực hiện Chỉ thị 278, tình trạng buôn lậu thuốc lá giảm hẳn. Sau chừng ấy thời gian, ngày 30-9-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 30/CT-TTg (Chỉ thị 30) yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban Chỉ đạo 389) cho biết: Văn phòng thường trực 389 sau khi kiểm tra đánh giá thực trạng tình hình buôn lậu thuốc lá trên các địa bàn trọng điểm, nghiên cứu tham khảo kiến nghị của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, đã cùng Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30 về chống buôn lậu thuốc lá trong tình hình mới.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam khẳng định: Tôi tin tưởng với Chỉ thị 30, các bộ, ngành và các địa phương phối hợp triển khai đồng bộ, cả biên giới và trong nội địa, chắc chắn tình trạng buôn lậu thuốc lá sẽ giảm hẳn.
“Chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được tận gốc tình trạng thuốc lá lậu, chỉ cần thực hiện đúng quy định của Chỉ thị 30, phải triển khai đồng bộ ở cả đầu vào và đầu ra của thuốc lá nhập lậu. Đầu vào là tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới. Đầu ra là tại các cửa hàng, các quầy, tủ thuốc ở các địa phương” - ông Vũ Văn Cường nhấn mạnh.
"Chỉ thị đã quy định rõ, địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Với tinh thần đó, chúng ta triển khai đồng bộ, quyết liệt chắc chắn sẽ gần như xử lý được tận gốc vấn đề buôn lậu thuốc lá" - đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tin tưởng.
Những biện pháp cứng rắn đối với các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thuốc lá lậu đã được triển khai. Quyết tâm "quét sạch" thuốc lá lậu để bảo vệ nền kinh tế, hỗ trợ các DN làm ăn chân chính cũng như sức khỏe người tiêu dùng đã được truyền đến các cấp, các ngành. Vẫn biết rằng đó là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ khi "món hời" của việc buôn thuốc lậu đủ làm mờ mắt bất cứ ai, thế nhưng không phải là "nhiệm vụ bất khả thi". Để trả lại sự bình yên cho những cung đường miền biên giới vốn đang từng ngày bị giày xéo bởi tiếng nẹt pô, rú ga của những kẻ buôn lậu, để các con phố, cửa hàng sạch bóng thuốc lá lậu, rất cần "ngọn lửa" chống thuốc lá lậu của những người thực thi công vụ không bao giờ lụi tắt.
Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30 tổ chức vào đầu tháng 12-2014, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến tháng 9-2014, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 34.636 vụ, khởi tố 369 vụ/488 bị can. Số thuốc lá tang vật bị bắt giữ hơn 20 triệu bao. Trong số trên 34.636 vụ buôn lậu thuốc lá bị lực lượng Công an bắt giữ chỉ có 69 vụ bị khởi tố hình sự, với 488 bị can. Nguyên nhân là do các đối tượng xé lẻ, chia nhỏ số lượng hàng hóa khi vận chuyển (từ 1.500 bao thuốc lá trở lên mới bị khởi tố hình sự) nên chưa cấu thành tội phạm hình sự. Ông Vũ Văn Cường cho rằng: Chỉ thị 30 đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, điều chỉnh Nghị định 76/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh rượu và thuốc lá, trong đó quy định buôn bán vận chuyển tàng trữ 1.500 bao thuốc lá trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng các đối tượng buôn lậu thuốc lá rất tinh vi, khôn ngoan, thường xé lẻ các lô thuốc. Khi bị bắt giữ đều dưới mức 1.500 bao, cho nên thực tế thời gian qua việc khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự là rất ít. Hiệp hội Thuốc lá kiến nghị nên điều chỉnh Nghị định 76, nếu vận chuyển từ 500 bao thuốc trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |