1. Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Công điện số 1360/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/12/2023 yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức; kịp thời, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Nâng hạng TTCK là 1 trong 7 mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong lộ trình tái cấu trúc, phát triển thị trường đến năm 2025. Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, Việt Nam đang có TTCK với vốn hóa 246 tỷ USD, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt khoảng 1 tỷ USD với gần 50 công ty đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD. Với quy mô tăng trưởng vượt bậc, việc TTCK Việt Nam vẫn trong nhóm thị trường cận biên theo xếp hạng của MSCI và FTSE Russell được ví như “một con cá lớn nằm trong ao nhỏ”. Cổ phiếu Việt Nam đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên với 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell. Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, các quỹ đầu tư thụ động sẽ rót hàng tỷ USD vốn mới vào Việt Nam. 2. Ra mắt hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Sau chỉ khoảng 9 tháng “chạy đua với thời gian” chuẩn bị, thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) chính thức vận hành từ ngày 19/7/2023 tại Sở GDCK Hà Nội (HNX). Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển thị trường TPDN tại Việt Nam theo hướng minh bạch, lành mạnh, bền vững hơn.
Việc đưa hệ thống giao dịch TPDNRL vào vận hành góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch, từ đó thúc đẩy tính thanh khoản cũng như tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDNRL phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, thị trường này đi vào hoạt động còn giúp cho các cơ quản lý nhà nước trong công tác quản lý, và người dân, doanh nghiệp cũng sẽ giám sát, từ đó nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường. Sau hơn 5 tháng vận hành, thị trường giao dịch TPDNRL cho thấy hoạt động ổn định, an toàn và thanh khoản ngày càng tích cực. Tính đến hết tháng 11/2023, đã có 760 mã trái phiếu của 206 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch với giá trị 519,4 nghìn tỷ đồng. Về thanh khoản, tính từ ngày 19/7 - 25/12/2023, tổng giá trị giao dịch đã đạt 189.976 tỷ đồng, thanh khoản bình quân phiên đạt trên 1.600 tỷ đồng/phiên. 3. Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng mạnh bởi lãi suất, biến động tỷ giá Từ tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước khởi động tiến trình giảm lãi suất, đi ngược lại xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới. Chỉ trong 3 tháng có tới 4 lần thay đổi các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động. Hành động quyết liệt này khiến mặt bằng lãi suất VND giảm mạnh và thị trường chứng khoán xuất hiện sóng tăng kéo dài từ tháng 5 tới tháng 9 với mức tăng trưởng VN-Index tới hơn 20%. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất mạnh tay cũng đưa đến hệ quả là đồng USD trong nước tăng giá mạnh kết hợp với xu hướng tăng của thế giới do FED tiếp tục tăng lãi suất. Đến cuối tháng 8/2023, tỷ giá VND/USD đã vượt ngưỡng 24.000 đồng. Biến động tỷ giá đã khiến dòng vốn ngoại chảy ngược khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lớn. Ngày 21/9/2023, Ngân hàng Nhà nước thực hiện phát hành tín phiếu để hỗ trợ tỷ giá khiến TTCK rơi vào xu hướng điều chỉnh kéo dài tới tận đầu tháng 11/2023 với mức sụt giảm khoảng 18%. Ngày 8/11/2023, đợt phát hành tín phiếu kết thúc, FED dừng tăng lãi suất, tỷ giá trong nước đạt đỉnh và TTCK ổn định trở lại. 4. Ngành chứng khoán làm sạch số liệu tài khoản Tháng 11/2023, lần đầu tiên số liệu tài khoản đầu tư chứng khoán được ghi nhận sụt giảm đột ngột khi hơn 545.000 tài khoản bị xóa khỏi hệ thống và số bị xóa lớn gấp nhiều lần số tài khoản mở mới. Nguyên nhân là các công ty chứng khoán bắt đầu quá trình làm sạch số liệu tài khoản, đặc biệt xử lý các “di sản” từ thời kỳ đầu khi thị trường đón nhận các tài khoản mở trong giai đoạn cổ phần hóa bao gồm tài khoản của người lao động; tài khoản giao dịch trên thị trường OTC. Các tài khoản bị xóa là những tài khoản không hoạt động, do đó không ảnh hưởng đến giao dịch bình thường của thị trường. Trước đó, từ đầu tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban chứng khoán Nhà nước kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. 5. Doanh nghiệp Việt tìm đường lên sàn chứng khoán ngoại qua niêm yết cửa sau Ngày 15/8/2023, cổ phiếu của Công ty Vinfast chính thức được giao dịch trên sàn Nasdaq Global Select Market (Mỹ) sau khi hoàn tất giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co ngày 14/8/2023. Sự kiện này đánh dấu việc lần đầu tiên ghi nhận một doanh nghiệp Việt Nam thông qua niêm yết cửa sau trực tiếp lên sàn giao dịch chính thức tại Mỹ (sàn Nasdaq).
Sau sự kiện niêm yết của Vinfast, một doanh nghiệp khác là VNG cũng có kế hoạch lên sàn Nasdaq thông qua cổ đông lớn VNG Limited có trụ sở tại Cayman. 6. Vốn ngoại chảy ngược Năm 2023 là năm thứ hai TTCK Việt Nam ghi nhận mức bán ròng kỷ lục của nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử thị trường. Tính đến cuối tháng 12/2023, tổng giá trị bán ròng toàn bộ 3 sàn là hơn 24.000 tỷ đồng, trong đó bán ròng trên sàn HoSE đạt hơn 25.700 tỷ đồng. Việc dòng vốn ngoại bán ròng lớn không chỉ dưới tác động của yếu tố tỷ giá mà còn nằm trong sự dịch chuyển dòng vốn chung trên toàn cầu khi các quỹ đầu tư phân bổ lại thị trường. Khi FED dừng tăng lãi suất và phát tín hiệu đảo ngược giảm lãi suất trong năm 2024, các quỹ cổ phiếu trên các thị trường phát triển hút dòng tiền đổ vào trong khi hiệu suất trong năm 2023 ở các thị trường đang phát triển và cận biên cũng kém hơn. Điều này được xác nhận khi TTCK Việt Nam vẫn nhận được dòng vốn đầu tư ETF ở mức dương, nhưng dòng vốn từ các quỹ chủ động lại rút ròng quy mô lớn. 7. Thị trường TPDNRL "hạ cánh mềm" Bong bóng nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (TPDNRL) “phát nổ” năm 2022 dẫn đến mối lo ngại về sự đổ vỡ dây chuyển của thị trường này trong năm 2023. Tuy nhiên, với các quyết sách kịp thời và linh hoạt, thị trường TPDNRL được cho là đã “hạ cánh mềm” trong năm 2023. Điểm nhấn của thị trường TPDNRL năm qua là sự ra đời kịp thời của Nghị định 08/2023/NĐ-CP. Cùng với việc hoãn một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Nghị định 08 đã cho phép các tổ chức phát hành đạt được nhiều thỏa thuận với trái chủ kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, trong đó cho phép ngân hàng được mua lại trái phiếu chưa niêm yết đã bán trước đây mà không bị hạn chế về thời gian với điều kiện trái phiếu đó đáp ứng các điều kiện nêu tại Khoản 4 Thông tư 16... Đây là những quy định được cho là “cứu nguy” dòng tiền trên thị trường TPDNRL. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm tới 25/12/2023, trên thị trường TPDNRL sơ cấp có 79 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2022. 8. Hủy niêm yết bắt buộc và vắng bóng doanh nghiệp niêm yết mới Năm 2023, số lượng cổ phiếu niêm yết mới rất thấp do ảnh hưởng của diễn biến thị trường kém khả quan. Trong khi đó kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục cũng như nhiều vi phạm công bố thông tin khiến hàng loạt doanh nghiệp phải hủy niêm yết bắt buộc và chuyển sàn. Theo số liệu từ HoSE, trong năm 2023, sàn này chỉ niêm yết mới 5 cổ phiếu trong khi đó có 13 mã cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc với khối lượng 1,42 tỷ cổ phiếu. Sàn HNX chỉ có 4 cổ phiếu niêm yết mới trong khi hủy niêm yết tới 17 mã. 9. Mạnh tay hơn với các vi phạm hành chính trên TTCK Theo số liệu từ cơ quan quản lý, tính từ đầu năm tới đầu tháng 12/2023, cơ quan chức năng đã ban hành 409 quyết định xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán với tổng số tiền phạt khoảng gần 37 tỷ đồng. Một số vụ việc xử phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: đình chỉ giao dịch, buộc huỷ bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin, buộc từ bỏ quyền biểu quyết. Đối với các vụ việc nổi cộm trên thị trường có dấu hiệu tội phạm, cơ quan quản lý cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật. Đến nay có 3 vụ việc đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã được cơ quan điều tra khởi tố (vụ án thao túng cổ phiếu FLC, vụ án thao túng cổ phiếu TGG và BII thuộc nhóm Louis Holding, thao túng cổ phiếu API, APS và IDJ thuộc nhóm APEC), trong đó, vụ án liên quan nhóm Louis Holding đã được xét xử, kết án đối với 5 bị cáo. 10. Phát hành cổ phiếu huy động vốn giảm mạnh Năm 2023 là năm trầm lắng của hoạt động huy động vốn sau giai đoạn 2021-2022 bùng phát với con số kỷ lục. Theo số liệu đến cuối tháng 10/2023, huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu đạt 50.527 tỷ đồng. Năm 2022, giá trị vốn huy động qua phát hành cổ phiếu đạt 116.684 tỷ đồng, năm 2021 đạt 102.500 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2023 chỉ có 3 thương vụ IPO, trong đó duy nhất 1 thương vụ thành công, tổng số lượng cổ phần đấu giá thành công đạt 120 triệu cổ phần, tương ứng với giá trị gần 2,6 nghìn tỷ đồng. Số lượng IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt. Hoạt động chào bán cổ phiếu huy động vốn thấp một phần đến từ diễn biến thị trường kém tích cực trong năm 2023 và thanh khoản sụt giảm. |