Thúc đẩy hợp tác Hiện trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang hợp tác với doanh nghiệp về tuyển dụng, nghiên cứu, khóa học đào tạo dựa trên công nghệ của doanh nghiệp được đưa vào các học phần nhà trường và các khóa học đào tạo chuyên sâu đặc thù hướng tới môi trường làm việc cho sinh viên. Để làm được điều này, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phải xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp để đảm bảo thành công của các khóa học tương ứng. Đến nay, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang có 10 chương trình liên kết đào tạo với các doanh nghiệp. Điển hình nhà trường có 4 học phần liên kết đào tạo với Công ty Samsung. Sau khi sinh viên học những học phần đó sẽ được nhà trường cấp cho chứng chỉ tương ứng để có thể đi thực tập ở Công ty Samsung. Ông Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Hàng năm, nhà trường có khoảng từ 120-180 sinh viên thực tập tại Công ty Samsung và những sinh viên này cũng là nguồn tuyển dụng của doanh nghiệp. “Mô hình đào tạo như vậy sẽ giúp cho sinh viên có môi trường tốt để phát triển và có thể học được các công nghệ của Công ty Samsung, từ đó có những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này”, ông Thắng nhấn mạnh. Ngoài ra, trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn tạo điều kiện cho sinh viên cọ sát với văn hóa làm việc của mỗi doanh nghiệp. “Những doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có văn hóa khác với doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ… Vì vậy, song song với nghiên cứu, đào tạo, sinh viên nhà trường cũng có buổi làm quen với văn hóa của các nước để làm việc tốt hơn tại các doanh nghiệp”, ông Thắng cho biết. Trong những năm qua, trường Đại học Công nghệ- Đại học Quốc gia Hà Nội luôn thúc đẩy đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được thị trường lao động Việt Nam và các doanh nghiệp FDI. Để làm được việc này, hiện nhà trường đang phối hợp với doanh nghiệp như: Samsung, LG, Vinmart… Vừa qua, trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ (SAE). SAE thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ hàng không vũ trụ ở các bậc đại học, sau đại học; nghiên cứu, phát triển các công nghệ và sản phẩm khoa học trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đáp ứng yêu cầu dân sự và an ninh, quốc phòng của đất nước; cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ - tri thức trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ trong và ngoài nước. Thay đổi đào tạo để thu hút DN Hiện các trường đại học tốp đầu như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ… đã có nhiều chương trình hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều trường đại học của Việt Nam vẫn chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp. Ông Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ cho biết: Nếu chất lượng đào tạo của trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì họ sẽ đầu tư vào trường. Để làm được việc này, các trường phải tự thay đổi, đầu tư nhiều hơn về nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo và quan trọng là đầu tư sức hút cho sinh viên giỏi. Nếu sinh viên không giỏi thì không có sức hút đối với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp đầu tư vào trường là phát triển doanh nghiệp và mong muốn nhận được người lao động tương lai giỏi. “Khi nhà trường nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp thông qua hỗ trợ về tài chính, chương trình đào tạo và quan trọng nhất có những hợp tác để giảng viên có thể gắn nghiên cứu vào trực tiếp yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Trình cho biết. Ông Huỳnh Quyết Thắng cũng khẳng định: Hiện thách thức của các trường đại học là nền công nghiệp thay đổi nhanh chóng dẫn đến các sản phẩm công nghệ thay đổi, từ đó giáo dục đại học cũng phải thay đổi. Việc hợp tác với các trường đại học quốc tế và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho các trường trong công tác đào tạo. Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng, việc kết hợp đào tạo có lợi cho mọi phía. Theo đó, nhà trường sẽ không cần đầu tư quá nhiều thiết bị cơ sở vật chất như nhà xưởng, phòng học, thậm chí là công nghệ vì doanh nghiệp phải luôn luôn đổi mới công nghệ để phát triển, do đó khi kết hợp với doanh nghiệp hai bên sẽ cùng chia sẻ công nghệ cho nhau. Hơn hết, sự kết hợp này sẽ tránh được tình trạng đào tạo tràn lan dẫn đến “vênh” nhu cầu của thị trường lao động. Khi sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc các em được rèn luyện và tiếp cận với môi trường sản xuất kinh doanh thực tiễn, qua đó có thể lựa chọn việc làm phù hợp hơn. Việc nhà trường gắn kết doanh nghiệp còn tạo động lực để các trường phải luôn nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm cạnh tranh lẫn nhau, từ đó tạo ra sự năng động, linh hoạt cho các cơ sở đào tạo, tăng thu nhập tài chính cho nhà trường. Đối với doanh nghiệp điều này sẽ đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khi có các đơn hàng gia tăng. Doanh nghiệp cũng có thể cắt giảm các chi phí đào tạo lại cho người lao động, từ đó làm tăng lợi ích tài chính. |