Bài cuối:
SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ÐẢNG LÀ NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH MỌI THẮNG LỢI
BPO - Trong suốt 80 năm qua,ảimatildesứcmạnhQuacircnđộinhacircndacircnViệquả bóng đá pháp kể từ khi ra đời đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn dũng cảm, sáng tạo, lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là kết quả tổng hợp được tạo nên từ nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định từ rất sớm và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đó là sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ... bằng một cơ chế, phương thức chặt chẽ, phù hợp. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (năm 1930), Đảng chỉ rõ phải nhanh chóng “Tổ chức ra quân đội công nông”. Trong Nghị quyết đội tự vệ (năm 1935), Đảng xác định: “Luôn luôn phải giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong tự vệ thường trực”, “Các đội trưởng và đảng đại biểu phải hợp tác mà chỉ huy”.
Trong lãnh đạo xây dựng, phát triển lực lượng cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Đảng xác định phải làm cho các đội du kích đi đúng “con đường chính trị” của Đảng.
Đầu năm 1944, trước yêu cầu thành lập đội quân chủ lực quốc gia, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Tổ chức của đội phải lấy chi bộ đảng làm hạt nhân lãnh đạo”. Thi hành đúng chỉ thị của Bác Hồ, Chi bộ Đảng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, lãnh đạo đội thực hiện các nhiệm vụ một cách tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt.
Các đại biểu dự hội nghị cán bộ chính trị viên toàn quân lần thứ 2 (tháng 3-1948) - Ảnh tư liệu
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội có sự phát triển nhanh về lực lượng. Để giữ vững sự lãnh đạo, Đảng triển khai cơ chế lãnh đạo quân đội: Thành lập Trung ương Quân ủy (tháng 1-1946); thành lập các cấp ủy từ quân khu đến chi ủy; đặt chế độ hai thủ trưởng (quân sự, chính trị) để chỉ huy đơn vị từ cấp khu đến trung đội; lập chế độ chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong quân đội (tháng 10-1948).
Từ thực tiễn tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong kháng chiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã ban hành Nghị quyết 07 ngày 20-5-1952, về thực hiện chế độ tập thể đảng ủy lãnh đạo toàn diện, thủ trưởng quân sự, thủ trưởng chính trị phân công thực hiện theo chức trách, nhằm thực hiện sự lãnh đạo tập thể, thống nhất của Đảng về mọi mặt công tác.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cơ chế nêu trên tiếp tục được thực hiện; nhờ đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội luôn được giữ vững, tăng cường và phát huy sức mạnh chiến đấu “càng đánh, càng mạnh, càng thắng lợi”. Các đơn vị trong toàn quân đều nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm, thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy được sức mạnh lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng phát huy cao độ trí tuệ, sự sáng tạo của thủ trưởng quân chính trong việc tổ chức thực hiện. Sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần quyết định vào thắng lợi của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đồng thời trở thành truyền thống, kinh nghiệm quý báu của quân đội ta.
Từ năm 1975 đến nay, Đảng ta đã có 3 lần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Từ năm 1975-1982, quân đội vẫn thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng như trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 15-12-1982, Bộ Chính trị (khóa V) ra Nghị quyết 07 “Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội”. Sau hơn 2 năm thực hiện cơ chế 07, Đảng đã sớm phát hiện một số khiếm khuyết, vì thế, ngày 4-7-1985, Bộ Chính trị (khóa V) đã ra Nghị quyết 27 về việc “Tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”.
Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị quyết định khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội. Toàn quân có Đảng ủy Quân sự Trung ương do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo. Cấp ủy các cấp có trách nhiệm lãnh đạo toàn diện các đơn vị thuộc quyền, theo phạm vi chức năng và nội dung quy định cho từng cấp. Gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 27 (1985-2005) đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trước yêu cầu giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong thời kỳ mới, ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 51 về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Cơ chế lãnh đạo theo Nghị quyết 51 xác định rõ những nội dung cơ bản để định hướng, chỉ đạo, tổ chức hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, hoạt động của cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị trong các đơn vị quân đội.
Nghị quyết Đại hội XI, XII và XIII của Đảng đều khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam mà thường xuyên và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Sự lãnh đạo đó được thực hiện thông qua hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở.
Hệ thống tổ chức đảng trong quân đội hiện nay gồm: Quân ủy Trung ương và đảng ủy quân sự các cấp. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, các đồng chí Ủy viên do Bộ Chính trị chỉ định. Các cấp ủy đảng từ cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương đến cấp cơ sở do đại hội đảng cùng cấp bầu.
Quân ủy Trung ương thực hiện chế độ quyết định tập thể đối với vấn đề lớn như chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các biện pháp xây dựng quân đội... Quân ủy Trung ương chỉ đạo Tổng cục Chính trị và thông qua Tổng cục Chính trị chỉ đạo các đảng bộ và hệ thống chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Thực tế suốt 80 năm qua, nhờ không ngừng bổ sung, hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững vai trò lãnh đạo đối với quân đội trong mọi tình huống, mọi giai đoạn lịch sử. Đó cũng là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta.
Dự báo thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp; cạnh tranh chiến lược nước lớn diễn ra gay gắt; xung đột sắc tộc, xung đột vũ trang và các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng an ninh và hòa bình của mọi quốc gia. Đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và phát triển đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với nhau tăng cường các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.
Để hoàn thành trọng trách cao cả của mình, trong điều kiện cách mạng mới, trong kỷ nguyên mới, cần phải tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn luôn giữ vững bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bất luận trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để Đảng nắm chắc quân đội trong mọi tình huống.