TPP được kỳ vọng là thay đổi lớn cho Việt Nam, nhất là lĩnh vực dệt may- được đánh giá là ngành hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, ngành dệt may trong thời điểm hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề đơn hàng dần chạy sang các nước Campuchia, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ. Điều này khiến cho ngành dệt may khó có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2016.
Sở dĩ có tình trạng đơn hàng “chạy mất” là do các đối thủ nói trên tập trung đầu tư vào dệt may bằng cách đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho ngành này.
Ví dụ, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh đều có nhiều giải pháp tích cực để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp nhằm khắc phục những bất lợi mà họ phải chịu do không là thành viên TPP. Trung Quốc đã thực hiện các khoản trợ cấp thông qua hình thức tài trợ hoặc cung cấp dịch vụ miễn phí, giảm giá từ chính quyền trung ương và địa phương...
Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu một số loại xơ, sợi nguyên liệu, miễn thuế nhập khẩu một số loại vải phục vụ hàng may mặc xuất khẩu. Pakistan thậm chí còn áp dụng mức thuế 0% (không cần nộp thuế, hoàn thuế tiêu thụ/GTGT) đối với nguyên phụ liệu dệt may trong 2 năm tới...
Trong khi đó, Campuchia cũng được ưu đãi thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ 0%, trong khi Việt Nam phải chịu thuế khoảng 17-18%.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, mặc dù đây là những nước nước không tham gia vào TPP nhưng nhận thấy khi Việt Nam gia nhập TPP, hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU sẽ có nhiều lợi ích, các đổi thủ này đã không ngừng gia tăng xuất khẩu dệt may. Điều này khiến Việt Nam mất dần các đơn hàng xuất khẩu.
Thực tế này cũng được ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thừa nhận song vị này tự tin cho rằng, nếu có TPP thì doanh nghiệp dệt may sẽ tránh được tình trạng mất đơn hàng. Bởi lẽ khi có TPP, thuế suất của sản phẩm dệt may về 0% (thay vì mức thuế suất 17-18% như hiện nay), chắc chắn các đối tác sẽ lựa chọn Việt Nam do nhiều yếu tố như quy mô sản xuất lớn, trình độ tay nghề của Việt Nam cao hơn các nước như Campuchia, Bangladesh…
Ông Khanh dẫn chứng, trước kia Việt Nam xếp thứ 5 các nước xuất khẩu dệt may vào Mỹ nhưng đến năm 2015 Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2, sau Trung Quốc với thị phần trên 12%. Trong khi đó, thị phần hàng dệt may của Trung Quốc tại Mỹ đã giảm từ hơn 60% xuống còn 40%. Sắp tới đây, khi có TPP thì sản phẩm dệt may Việt Nam càng có cơ hội cạnh tranh tốt hơn.
“Ví dụ một chiếc áo cả Việt Nam hiện xuất sang Mỹ chịu thuế 25% nhưng khi có TPP sẽ rẻ hơn sản phẩm của Trung Quốc 25%. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, đây là con số rất lớn và có ý nghĩa”, ông Khanh nói.
Với những phân tích trên, các doanh nghiệp dệt may đã kiến nghị, Chính phủ và Quốc hội cần đẩy nhanh tiến độ và sớm phê chuẩn TPP và để giúp doanh nghiệp Việt Nam sớm tận dụng được ưu đãi từ hiệp định. Bên cạnh đó, trong thời gian chờ đợi hiệp định chính thức có hiệu lực, nếu không tận dụng nhanh và không có sự chuẩn bị tốt thì càng chờ đợi lâu Việt Nam càng thất thế.
Được biết, 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ đều không ủng hộ TPP tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Obama đang đẩy mạnh những nỗ lực cuối cùng để hoàn thành những mục tiêu còn dang dở, trong đó có việc thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua TPP trước khi vị Tổng thống kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20-1-2017.