Tuy nhiên,ựtoánsátvớithựctếthungânsáchcủađịaphươnhững trận đấu tối nay việc giao dự toán thu cao cho các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (NSTW) khiến một số địa phương gặp nhiều khó khăn, thậm chí hụt thu so với dự toán. Do đó, dự toán thu NSNN năm 2019, Bộ Tài chính giao cho địa phương đã có sự điều chỉnh sát thực tế phát sinh trên địa bàn.
Một số nguồn thu quan trọng sụt giảm
Thu NSNN những năm gần đây đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có phần đóng góp rất lớn của các địa phương, đặc biệt là 16 địa phương có điều tiết thu về NSTW (chiếm trên 70% tổng thu nội địa). Đây là các địa phương có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ phát triển tăng trưởng khá, có nhiều dư địa thu ngân sách... Vì vậy, khi xây dựng dự toán thu, Chính phủ thường giao cho các địa phương này ở mức phấn đấu cao hơn mức bình quân chung. Đơn cử, dự toán thu nội địa năm 2018 của nhóm 16 địa phương có điều tiết về trung ương tăng 21,2% so với ước thực hiện năm 2017, trong khi dự toán thu nội địa từ sản xuất kinh doanh của cả nước tăng 13%.
Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2015, thu nội địa bình quân vượt 11,5%/năm so với dự toán; tuy nhiên, đến giai đoạn 2016 - 2018 chỉ vượt 6%/năm, năm 2018 ước vượt 2,7%. Như vậy, với mức tăng thu thấp mà dự toán cao khiến một số địa phương gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.
Qua thực hiện cho thấy, trên thực tế đã phát sinh một số nguyên nhân khách quan khiến một số địa phương gặp nhiều khó khăn khi thực hiện dự toán, thậm chí có địa phương hụt thu so với dự toán. Có thể kể đến trường hợp của tỉnh Vĩnh Phúc hụt thu năm 2017 và dự kiến năm 2018 tiếp tục hụt thu do Công ty Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển từ sản xuất trong nước sang nhập khẩu đối với một số dòng xe và thay đổi cơ cấu dòng xe ô tô khiến sụt giảm nguồn thu. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hụt thu do khoản thu từ khí thiên nhiên giảm 1.130 tỷ đồng. TP. Cần Thơ hụt thu chủ yếu do Tập đoàn Philip Morris mở thêm nhà máy thuốc lá ở Trung Quốc; cùng với tác động của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã làm giảm sản lượng thuốc lá của công ty này dẫn đến số nộp NSNN chỉ bằng 61,6% dự toán. TP. Hồ Chí Minh cũng gặp khó khăn khi kinh tế trên địa bàn năm 2017 không đạt kế hoạch, một số ngành sản xuất có đóng góp lớn cho ngân sách như thuốc lá, bia... đạt thấp so với dự kiến.
Giảm mạnh mức tăng trong dự toán thu ngân sách năm 2019
Báo cáo tại Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua thực tế triển khai 3 năm 2016 - 2018, dự toán thu NSNN năm 2019 giao cho các địa phương đã có sự điều chỉnh lại sát với thực tế phát sinh trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các địa phương cơ bản thống nhất số liệu để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội dự toán thu nội địa từ sản xuất – kinh doanh (không kể tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước, thu từ xổ số kiến thiết) tăng 12,8%, phù hợp với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,6% - 6,8% và lạm phát khoảng 4%. Trong đó, dự toán thu của nhóm 16 địa phương có điều tiết về trung ương chỉ tăng 13,1% so với ước thực hiện năm 2018 (dự toán năm 2018 tính tăng 21,2%). Một số địa phương hụt thu năm 2017 có mức giao dự toán năm 2019 chỉ tăng bằng và thấp hơn mức tăng chung hoặc có mức độ tăng thấp hơn so với các năm qua.
Một số địa phương trọng điểm thu đã được điều chỉnh dự toán thu năm 2019, như: TP. Hà Nội dự toán tăng 12,9% (năm 2018 tăng 24,5%). Đà Nẵng dự toán tăng 15,6% (năm 2018 tăng 24,8%). TP. Hồ Chí Minh dự toán tăng 12,9% (năm 2018 tăng 24,5%). Bình Dương dự toán tăng 13,4% (năm 2018 tăng 27,7%). Đồng Nai dự toán tăng 13,9% (năm 2018 tăng 19,7%). Bà Rịa Vũng Tàu dự toán tăng 15,7% (năm 2018 tăng 20,5%). Đối với Cần Thơ, dự toán năm 2019 chỉ tính tăng 12,5%; Hải Dương tăng 8,8%; Vĩnh Phúc tăng 4,6% so với ước thực hiện năm 2018.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc giao dự toán thu cao khiến TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, năm 2018, giao dự toán thu của thành phố tăng 24,5% so với năm 2017. Theo ông Trần Anh Tuấn, chỉ tiêu thu NSNN được tính toán căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, song trên thực tế, nhiều nguồn thu có đóng góp lớn cho ngân sách tại địa phương sụt giảm, nên để đảm bảo thu đạt dự toán, thành phố đã phải đẩy mạnh tăng thu từ nhiều nguồn thu khác, tăng cường thu hồi nợ thuế...
Với mức thu dự toán năm 2019 tăng 12,9% so với năm 2018, theo ông Tuấn, “vẫn là áp lực đối với địa phương”. Do đó thành phố cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, quan tâm nuôi dưỡng nguồn thu để đảm bảo nguồn thu bền vững. Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, trong bối cảnh NSTW ngày càng hẹp lại, các địa phương cần đảm bảo thu ngân sách theo dự toán để góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN cả nước nói chung.
Đến thời điểm hiện nay, để hoàn thành dự toán NSNN năm 2018, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu. Trong trường hợp dự kiến thu không đạt dự toán phải chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Đồng thời, các địa phương chủ động sử dụng các nguồn lực để đảm bảo như: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương (quỹ dự trữ tài chính, kết dư ngân sách,...). Đây cũng là động lực để các địa phương nỗ lực phấn đấu tăng thu để có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán.
Minh Anh