| Nhiều thông tin về bão lũ trên mạng xã hội không được kiểm chứng |
Đang loay hoay che lại tấm bạt trước sân, anh hàng xóm quay sang nói: “Anh có đem ô tô đi gửi không, đi cùng tôi luôn, chứ tôi mới lướt trên mạng thấy nhiều bài đăng chiều tối nay người ta sẽ xả đập. Sợ nước lên nhanh trở tay không kịp, ô tô lại trở thành “tàu ngầm” như bão số 3 tàn phá ở ngoài miền Bắc thì mệt”. Anh Hải, (phường Phú Thượng, TP. Huế) cho biết: Mấy lần trước, anh hay xem, cập nhật tình hình mưa bão trên nền tảng tiktok, facebook. Có hôm, thấy bài đăng khẳng định là nơi anh ở sẽ có mưa lớn, gây ngập sâu. Thế là anh Hải loay hoay kê đồ đạc lên cao, chạy ô tô của gia đình đi tìm nơi cao ráo để đậu. “Tuy nhiên, hôm đó, thông tin không đúng sự thật. Bây giờ, có bão lũ gì, tôi rút kinh nghiệm nên xem những thông tin chính thống trên các chương trình thời sự cho chắc, chứ nghe theo những nhà “khí tượng học” trên mạng kiểu đó quá phiêu”, anh Hải nói thêm. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra nhiều cảnh báo, tuyên truyền, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp đăng thông tin sai lệch mỗi khi đến mùa mưa bão, nhưng vì sao những thông tin đó vẫn thu hút được sự chú ý của người dân? Thực tế cho thấy, có rất nhiều người dùng mạng xã hội dễ dàng tin vào những thông tin không được kiểm chứng, thấy là like hoặc chia sẻ thông tin ngay. Vô tình điều này đã khiến cho nhiều người thêm hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân. Trước thực trạng xuất hiện những thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ trên mạng xã hội, người dân cần tỉnh táo, không tin tưởng hay chia sẻ những nội dung thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng; theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Đồng thời, khi phát hiện các thông tin không đúng, cần kịp thời báo cáo đến cơ quan chức năng nơi gần nhất để có phương án xử lý. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh việc chia sẻ, lan tỏa rộng rãi các thông tin cảnh báo, giúp người dân tiếp cận với các nguồn tin một cách chính thống và chính xác. |
Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) của chính phủ quy định các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng. |
|