Hà Nội chính thức công bố quy hoạch đô thị sông Hồng. Ảnh: Phúc Nguyên |
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đi qua 13 quận, huyện
Chiều 5/4, tại UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã diễn ra hội nghị công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Tại hội nghị, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã công bố quyết định số 1045/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ký về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Ông Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tóm tắt những điểm chính trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được công bố. Theo đó, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.
Phân khu đô thị sông Hồng trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa giới hành chính của các quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000 ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400 ha (50%). Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), công trình hạ tầng kỹ thuật...
Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000 người.
Quy hoạch 8 bãi sông Hồng
Trong quy hoạch phân khu đô thị lần này, Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Theo đồ án quy hoạch, ở giai đoạn 1, Hà Nội sẽ xây mới 6 cây cầu bắc qua sông Hồng. Trong đó, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp).
Cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3, 5 (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp). Cầu Tứ Liên kết nối trục đường chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp). Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).
Ngoài ra, thành phố cũng xác định xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long.
Lãnh đạo Hà Nội giao các đơn vị liên quan lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng.
Các đơn vị có trách nhiệm quản lý chặt hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch; có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có, không để phát sinh thêm số khu, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông.../.