Tiềm năng lớn, phù hợp với xu hướng chungTheo số liệu của ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11 nghìn tỷ USD năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới. Xu hướng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng được ghi nhận ở cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu… và các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Malaysia…
Với nền kinh tế Việt Nam, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 cũng như giai đoạn 2021 - 2025, 1 trong 3 cỗ xe “tam mã” mà Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh cần phải phát huy hơn nữa đó chính là tiêu dùng nội địa. Theo đó, NHNN cho rằng, việc tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển là rất cần thiết, xuất phát từ thực tế khách quan, phù hợp với xu hướng vận động của nền kinh tế và nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Thực tế hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua cho thấy, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, để có được kết quả này là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, triển khai quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp tích cực từ các bộ ngành, địa phương. Thách thức còn nhiều cần có giải pháp hợp lýMặc dù tín dụng tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, tạo động lực phát triển kinh tế, nhưng theo NHNN, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung. Đối diện với những khó khăn này, đã có tình trạng nhiều TCTD “chùn tay” với tín dụng tiêu dùng khiến cho tỷ trọng cho vay tiêu dùng có dấu hiệu chậm lại trong vòng 3 năm qua. Số liệu của Viện Chiến lược Ngân hàng thuộc NHNN cho thấy, tỷ trọng tín dụng ngân hàng tăng mạnh từ 19,93% (so với tổng dư nợ) năm 2021 lên 22,33% năm 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng này sau đó đi vào chu kỳ suy giảm từ năm 2022, cụ thể giảm xuống còn 21,16% vào năm 2023 và giảm tiếp xuống 20,65% vào cuối quý I/2024. Theo đánh giá của NHNN, đối tượng khách hàng vay tiêu dùng thường là người lao động có thu nhập thấp hoặc trung bình, không có tài sản thế chấp và chưa có lịch sử tín dụng. Trong khi đó, các khoản vay tiêu dùng của công ty tài chính thường không có tài sản bảo đảm nên rủi ro tín dụng và lãi suất cho vay cao hơn, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Trong khi đó, thời gian qua đã có các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng trá hình thông qua hình thức biến tướng của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng (không phải các công ty tài chính do NHNN cấp phép) để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, ảnh hưởng đến danh tiếng của các công ty tiêu dùng. Trong khi đó, các công ty tài chính chính thống lại gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ, nhiều trường hợp không liên lạc được với khách hàng, xác định nơi cư trú, nơi làm việc của khách hàng. Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, đã xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi. Trong bối cảnh này, NHNN cho biết sẽ đưa ra các giải pháp kịp thời để hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh. Cụ thể bên cạnh các giải pháp hoàn thiện pháp lý, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, các công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
|