Ngành dệt may năm nay dự kiến chỉ tăng trưởng 9-11%. Ảnh: Trần Việt. Tăng trưởng giảm Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm nay diễn biến thị trường rất phức tạp. Từ cuối năm 2014 sang đầu 2015, xuất khẩu dệt may đã có dấu hiệu khó khăn khi nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng. Bước sang quý I-2015, nhiều doanh nghiệp đã thiếu việc làm, quý II, quý III có xu hướng tăng nhưng sang quý IV xuất khẩu lại giảm. Không những thế, trào lưu đầu từ vào ngành dệt may ngày một nhiều khiến đơn hàng xuất khẩu đến tay doanh nghiệp cũng ngày một hạn chế. “Đây là nguyên nhân khiến cho kim ngạch xuất khẩu năm 2014 tăng trưởng 17-18% nhưng năm nay chỉ tăng 10%”, bà Dung nói. Dự kiến, 3 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may sẽ cán đích là 27-27,5 tỷ USD cho tất cả các mặt hàng, nhưng mức tăng trưởng chỉ khoảng 9,3-11%. Khó khăn không kém ngành dệt may, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong năm 2015 sẽ giảm khoảng 10-15% và trị giá chỉ đạt 6,6-6,7 tỷ USD, giảm hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái. Phân tích cụ thể hơn, ông Nam cho biết, hầu hết các nhóm mặt hàng đều giảm giá sâu. Mặc dù Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp nhưng vòng xoáy giảm giá đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đều phải co hẹp sản xuất. Ông Nam dẫn chứng, mặt hàng tôm đến lúc này đang phải cạnh tranh với Ấn Độ khi cả sản lượng và giá thành tôm của thị trường này đều thấp hơn Việt Nam. Hơn nữa, tại các thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador… giá trị các đồng tiền đều giảm. Do đó thời gian tới, các sản phẩm thủy sản Việt Nam đều nằm trong vòng xoáy giá giảm mà chưa có giải pháp gì hữu hiệu để khắc phục trong giai đoạn trước mắt. Giải cứu Đại diện của VASEP kiến nghị, Nhà nước cần giảm lãi suất vay ngắn hạn (hiện nay là 7%). Năm ngoái, đề xuất được giảm 1% về tỷ giá nhưng chưa đủ bởi giá thành sản xuất của Việt Nam hiện nay rất cao nên về lâu dài vẫn phải tính tiếp giải pháp này. |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là tăng 10% so với năm 2014, nhưng 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 73,2%. Do đó, bình quân mỗi tháng cuối năm, Việt Nam phải đạt hơn 14,7 tỷ USD mới “cán đích”. | |
Còn theo vị đại diện của Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, từ nay đến cuối năm, Hiệp hội mong muốn các cơ quan quản lý chức năng rà soát đánh giá lại, xem có giải pháp nào thiết thực, cần cụ thể hóa ngay để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với những khó khăn của doanh nghiệp, được biết Bộ Công Thương đã có cuộc "triệu tập" các hiệp hội, ngành hàng để đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, 9 tháng qua có nhiều vấn đề được bộc lộ như tiền tệ, tỷ giá của Trung Quốc và các quốc gia đối tác áp dụng các biện pháp tự vệ. Nếu chúng ta không có các biện pháp ứng phó linh hoạt nhanh tác động tiêu cực đến các ngành hàng xuất khẩu sẽ còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Đối với sản phẩm chủ lực nông lâm thủy sản, chu kỳ giảm giá, bão hòa cân đối cung cầu trên thế giới cho thấy diễn biến thời gian tới còn phức tạp hơn. Mức độ cạnh tranh từ các quốc gia, sự sụt giá (như của tôm giảm 30%), năng lực và chất lượng cạnh tranh của Việt Nam đã suy giảm nhiều. Do đó, cần đặt ra một cách nghiêm túc về chiến lược phát triển bền vững đối với các ngành thủy sản. Các ngành khác như lúa gạo, cà phê, cao su cần có chiến lược phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu… nhìn nhận thực tế để đề ra giải pháp. “Những tháng cuối năm, phấn đấu kết quả như đăng ký với Quốc hội là vấn đề khó, đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng dù thế nào đi nữa Chính phủ cũng thống nhất không điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng, kể cả xuất khẩu”, ông Trần Tuấn Anh tỏ ra lo lắng. Vì vậy, vị Thứ trưởng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thành kế hoạch xuất khẩu trong năm 2015. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành khác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tín dụng, thị trường để doanh nghiệp có điều kiện cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn nữa. Bộ Công Thương sẽ duy trì các cuộc làm việc với các hiệp hội, ngành hàng để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, đồng thời, các hiệp hội cũng cần chủ động có những kiến nghị, đề xuất Bộ Công Thương tìm hướng giải quyết. |