Công ty chứng khoán lách luật để huy động vốn cho margin | |
Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước đạt 55.562 tỷ đồng | |
Vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời tăng vọt |
HDBank ký kết hợp đồng phát hành trái phiếu chuyển đổi và hợp tác chiến lược với DEG (Đức). |
Tích cực tìm vốn quốc tế
Giữa tháng 4 vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Vingroup đã công bố thông tin về việc Sở Giao dịch chứng khoán Singapore đã chấp thuận việc niêm yết trái phiếu Vingroup 2021 tại sàn này. Theo đó, Vingroup dự kiến sẽ huy động 500 triệu USD trong đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần này. Số tiền huy động được sẽ dùng để thanh toán các khoản phí, chi phí cho việc phát hành trái phiếu; thanh toán gốc, lãi và khoản phải trả khác đến hạn của một số khoản nợ nước ngoài của Vingroup; thực hiện các dự án mà Vingroup là chủ đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động thông qua việc đầu tư, góp vốn vào công ty con và bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.
Mới đây hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm là Fitch Ratings và Moody’s đã nâng triển vọng đối với Việt Nam lên tích cực, qua đó giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về tình hình kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đây sẽ là yếu tố tích cực giúp các DN gia tăng thêm cơ hội thành công khi thực hiện huy động vốn ở nước ngoài. |
Vingroup là DN điển hình của Việt Nam thành công trong việc huy động vốn từ thị trường quốc tế. Chỉ tính từ năm 2013 đến năm 2019, tập đoàn này đã thực hiện 17 giao dịch huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài với số tiền huy động được lên đến 7,6 tỷ USD. Ngoài ra, gần đây một số nguồn tin cũng tiết lộ rằng Vingroup đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ đối với Công ty sản xuất ô tô Vinfast với số vốn huy động dự kiến là 2 tỷ USD. Một thông tin khác cũng đáng chú ý là hãng hàng không Bamboo Airways có kế hoạch huy động 200 triệu USD thông qua IPO tại Mỹ bằng việc phát hành 5-7% cổ phần.
Cùng với những kế hoạch phát hành cổ phiếu, niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế, nhiều DN Việt Nam cũng đã huy động vốn thành công qua các hợp đồng tài trợ, vay vốn từ các tổ chức quốc tế. Điển hình như Ngân hàng HDBank đã ký kết thành công hợp đồng vay vốn trị giá 71 triệu USD (khoảng 1.700 tỷ đồng) từ Ngân hàng Thương mại Quốc tế Mega (Đài Loan) vào đầu tháng 3/2021. Hồi cuối năm 2020, HDBank cũng đã phát hành trái phiếu chuyển đổi và hợp tác chiến lược với các nhà đầu tư nước ngoài, hoàn thành kế hoạch bổ sung 160 triệu USD vốn cấp 2. Trong đó, Quỹ DEG - định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức- đã đầu tư 30 triệu USD vào HDBank. Ngoài ra, HDBank còn đạt nhiều thỏa thuận vay vốn từ các định chế tài chính toàn cầu như JP Morgan Chase, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á,…
Tương tự, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng vừa ký hợp đồng vay hợp vốn trị giá 30 triệu USD (hơn 690 tỷ đồng) với nhóm 4 ngân hàng Đài Loan đó là Union Bank of Taiwan; Taichung Commercial Bank - Labuan Branch; Taishin International Bank và Huanan Commercial Bank; Công ty Chứng khoán MB (MBS) vay 10 triệu USD từ Ngân hàng Kookmin (KB) – Chi nhánh Hồng Kông để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh…
Nhiều thuận lợi
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, lâu nay chưa có nhiều DN Việt Nam huy động vốn thành công từ thị trường quốc tế. Nguyên nhân là mức độ rủi ro của các DN Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư quốc tế vẫn ở mức cao, do đó họ thường yêu cầu mức lãi suất tương đối cao và không có nhiều DN Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại có thuận lợi là lãi suất quốc tế đang ở mức thấp, do đó các DN trong nước cũng muốn tận dụng cơ hội để tiếp cận dòng tiền lớn.
Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nhất trí giữ nguyên lãi suất gần 0%, đồng thời tiếp tục chi ra ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng để mua trái phiếu và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp. Cơ quan này cũng phát đi tín hiệu về khả năng không nâng lãi suất cho tới năm 2023 bất chấp đà tăng của lợi suất trái phiếu gần đây, cho thấy môi trường lãi suất thấp sẽ còn tiếp tục duy trì thêm một thời gian nữa.
Ngoài ra, mới đây hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm là Fitch Ratings và Moody’s đã nâng triển vọng đối với Việt Nam lên tích cực, qua đó giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về tình hình kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đây sẽ là yếu tố tích cực giúp các DN gia tăng thêm cơ hội thành công khi thực hiện huy động vốn ở nước ngoài.
Các chuyên gia nhận định, những DN huy động vốn thành công trong thời gian qua sẽ tạo tiền đề tốt. Việc đáp ứng các điều kiện ngặt nghèo của thị trường quốc tế cho thấy các DN Việt Nam đã từng bước khẳng định được thương hiệu ra toàn cầu, từ đó tạo động lực cho các DN khác nỗ lực hoàn thiện và vươn lên. Do đó, dự báo thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN Việt Nam tiếp cận với nguồn vốn này.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị, để huy động vốn thành công từ thị trường quốc tế, các DN cần có tình hình sản xuất kinh doanh tốt, năng lực tài chính mạnh, đồng thời thông tin số liệu phải minh bạch và được kiểm toán bởi các tổ chức quốc tế. Các DN cũng cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, có phương án sử dụng vốn khả thi và đặc biệt là nên thông qua các công ty tư vấn chuyên nghiệp để có sự chuẩn bị tốt nhất.