Từ 30/4/2005 đến nay, ông Lâm Anh Lữ, nguyên Đội trưởng Đội Biệt động Hồ Thị Kỷ, nguyên Thị đội phó Thị đội Cà Mau, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8 (lực lượng vũ trang thị xã Cà Mau), đều tổ chức cuộc họp mặt tại gia đình mình để cúng cơm, tưởng nhớ những đồng đội năm xưa. Đội Biệt Động thị xã Cà Mau (tức Đội Biệt động Hồ Thị Kỷ) thành lập tháng 5/1968 đã làm cho quân thù kinh hoàng bởi những trận đánh hết sức táo bạo của mình.
Từ 30/4/2005 đến nay, ông Lâm Anh Lữ, nguyên Đội trưởng Đội Biệt động Hồ Thị Kỷ, nguyên Thị đội phó Thị đội Cà Mau, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8 (lực lượng vũ trang thị xã Cà Mau), đều tổ chức cuộc họp mặt tại gia đình mình để cúng cơm, tưởng nhớ những đồng đội năm xưa. Đội Biệt Động thị xã Cà Mau (tức Đội Biệt động Hồ Thị Kỷ) thành lập tháng 5/1968 đã làm cho quân thù kinh hoàng bởi những trận đánh hết sức táo bạo của mình.
Tên tuổi Hồ Thị Kỷ đã từng đi vào lịch sử, đi vào thơ ca, các thế hệ người Cà Mau mãi mãi không quên người liệt sĩ anh hùng đã bao lần lập nên chiến công vang dội. Nhưng “Ðội Biệt động thị xã Cà Mau” mang tên Hồ Thị Kỷ, cho đến nay có thể nhiều người chưa biết đến. Bởi hầu hết những con người trong Ðội Biệt động là những chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận thầm lặng, hoàn toàn bí mật, bất ngờ đối với quân thù.
Ðọc lại các báo cáo ghi chép những trận đánh của đơn vị, chúng ta thấy hoạt động của họ thật phi thường. Mỗi lần vào trận chỉ có 1 hoặc 2 người, trận đông nhất chỉ có 5-6 người!
Các diễn viên và lãnh đạo của Đoàn Văn công Cà Mau đón mừng mẹ của Anh hùng Hồ Thị Kỷ và người quen thân tìm vào tận căn cứ thăm đoàn. Ảnh: VÕ AN KHÁNH
Chiến công đầu tiên của Ðội Biệt động thị xã Cà Mau (tên lúc mới thành lập) do chị Hương thực hiện vào ngày 6/10/1968: Ðánh huỷ 1 xe Jeep của địch tại đầu kinh 16, chị Hương được thưởng 1 giấy khen và danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới. Trận thứ 2 vào ngày 20/10/1968, do chị Nguyễn Thị Lòng và Tư Trung (Tư Trung mới 15 tuổi) phối hợp với Quân báo của tỉnh, dùng bom nổ chậm (loại 500 kg) đánh 2 cụm tàu đậu tại khu vực Cầu Quay cũ và Ty Công chánh của địch, làm hư hại hàng chục tàu sắt gây cho chúng nỗi khủng khiếp, kinh hoàng.
Hồ Thị Kỷ tham gia trận đầu vào ngày 25/4/1969, dùng mìn đánh vào Kho Hậu cần của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 32, phá huỷ 1 kho đạn, làm cháy 232 căn trại lính và trên 2.000 lít xăng. Hồ Thị Kỷ được tặng bằng khen.
Gặp nhau, dù mỗi người có hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau nhưng không ai quên được những tháng ngày chung lưng đấu cật, sống chết không rời. Dường như không ai quên chiến công của mình, họ kể được cả ngày tháng diễn ra trận đánh:
Thu Ba đánh huỷ 1 xe Jeep tại phường 3, ngày 1/5/1969, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới.
Oanh (nam) đánh hư 2 xe GMC của địch tại khu Dinh Ðiền Cà Mau, ngày 13/5/1969, được tặng 1 giấy khen.
Minh (nữ), đánh huỷ 1 xe Jeep tại phường 4 và 1 chiếc khác tại khu vực Toà Hành chính của địch, ngày 9/5 và 2/6/1969, được tặng 2 giấy khen, 2 Huy hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới.
Dũng đánh hư 2 xe địch đậu tại ngã ba Tân Thành và Toà Hành chính, làm chết 4 tên, bị thương 1 tên, ngày 14/6/1969, được nhận 1 bằng khen.
Ngày 10/7/1969, Hồ Thị Kỷ và Bảy Hoa đánh Phòng Căn cước (Ty Cảnh sát) diệt 6 tên địch. Cả hai đều được nhận bằng khen.
Ngày 14/2/1970, Hồ Thị Kỷ và Thành dùng mìn nổ chậm giết chết 9 tên địch tại quán kem phường 1…
Chiến công lẫy lừng của Ðội Biệt động Thị xã Cà Mau diễn ra vào ngày 3/4/1970, người trực tiếp tổ chức trận đánh là Tạ Minh Nghiệp (Tư Bình), Chính trị viên Ðội Biệt động. Ông kể lại việc chuẩn bị như sau: “Từ khu vườn nhà ông Châu Văn Trương, Bí thư Chi bộ ấp Cây Khô, xã Tân Lợi, nay là xã Hồ Thị Kỷ, Hồ Thị Kỷ và đồng đội của mình tập dượt sao cho khi bước đi, tay cầm giỏ xách để mìn nặng mấy ký lô vẫn có thể giữ thăng bằng như người đi chợ bình thường. Tham gia trận đánh vào Ty Cảnh sát của địch lần này, ngoài Hồ Thị Kỷ còn có các chị Sáu Liên (Huỳnh Thị Kim Liên), Tư Tâm, Bảy Hoa và Thanh Hùng (Hùng mới 16 tuổi).
Ðể nguỵ trang che mắt địch, Tạ Minh Nghiệp đề nghị chị Sáu Liên bồng theo đứa con gái thứ 9, mới lên 3 tuổi của chị là Hồ Thị Thuý Nghiêm. Khi đến nơi, chị Liên bồng con vào trước như người đi chợ, nếu thấy thời cơ thuận lợi, ra ám hiệu để Hồ Thị Kỷ xách mìn vào. Ðây là mũi chính, đánh phía tay trái Ty Cảnh sát (từ trong nhìn ra). Mũi thứ hai do Tư Tâm, Bảy Hoa, đi từ hướng Rạch Rập lên, đặt mìn phía chùa Bà Mã Châu đánh qua”.
Thanh Hùng cho biết: Anh là người trực tiếp liên lạc giữa hai tổ đặt mìn của chị Kỷ và chị Tâm. Khi gặp chị Kỷ tại trận địa và trao đổi xong khẩu, ám, tín hiệu (tình hình ổn), thực hiện phương án I, Hùng vừa đi qua tổ của chị Tâm và chị Hoa thì nghe mìn nổ. Anh chạy trở lại, thấy khói lửa nghi ngút, địch la hét, tán loạn, nhốn nháo, báo động… Tổ của chị Tâm lập tức rút lui qua phía Rạch Rập, trong khi đó Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và cháu Hồ Thị Thuý Nghiêm đều hy sinh. Ðịch rú còi inh ỏi, kéo dây chì gai giăng kín cửa ra vào.
Cái chết của những người con gái rạch Cây Khô, xã Tân Lợi làm cho quân thù khiếp vía. Dù nếm trải đau thương nhưng không một ai nao núng. Mọi người đều hứa hẹn tại lễ truy điệu Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và cháu Hồ Thị Thuý Nghiêm: “Quyết biến đau thương thành hành động để trả thù cho đồng đội”. Sau đó, Ðội Biệt động thị xã Cà Mau được mang tên Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ.
25 ngày sau khi Hồ Thị Kỷ và các đồng đội hy sinh, ngày 29/4/1970, anh Thành tiếp tục cài mìn phá huỷ 1 xe GMC, làm chết 7 tên địch, có 1 tên Mỹ, 1 trung uý, làm bị thương 10 tên khác.
Ngày 23/5/1970, Tùng Anh (tức Dũng Sĩ), 16 tuổi, dùng mìn nổ chậm huỷ diệt 1 kho xăng, 1 trại lính, 1 kho đạn róc-kết tại sân bay của địch. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Ngày 4/8/1970, 2 chị: Thu, Phương dùng mìn nổ chậm đánh vào Ty Cảnh sát làm chết 16 tên, bị thương 12 tên, làm sập 1 phòng làm giấy căn cước, thiêu huỷ một số tài liệu. 2 chị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
- Ngày 14/10/1970, Quyết Thắng, 15 tuổi, đánh cháy 1 kho xăng tại sân bay và 1 kho đạn trực thăng, làm chết 1 tên địch. Ðược tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Ngày 6/2/1971, Dũng Sĩ và Quyết Thắng dùng mìn đánh hư 1 tàu sắt và 1 nhà bè tại phường 1, thị xã Cà Mau.
Ngày 17/4/1972, Thắm và Thuỷ dùng mìn đánh vào Trung tâm Bưu Ðiện (tại phường 6 cũ) làm chết và bị thương 12 tên, có 6 cảnh sát. Mỗi người được tặng 1 bằng khen.
Ngày 8/3/1973, Tâm và Nhiên đánh vào căn cứ Giang thuyền 32 và Quân cảnh (phường 7) làm chết 9 tên, bị thương 7 tên, hư 3 ô-bo, 2 xuồng chiến đấu, 1 tàu sắt… Cả hai đều được công nhận dũng sĩ và đề nghị tặng thưởng huân chương.
Ngày 20/1/1973, đơn vị Biệt động Hồ Thị Kỷ được tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Sự kiện này càng cổ vũ mạnh mẽ toàn thể đơn vị xông lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Ngày 2/8/1974, Nguyệt dùng mìn đánh cơ quan Quân cảnh Tư pháp của địch, diệt 8 tên, bị thương 2 tên.
Ngày 24/9/1974, Tâm, Nga, Liên, Dũng, Hồng đánh vào căn cứ Giang đoàn 18 và các căn cứ Hải quân, làm chìm 6 tàu sắt và 2 thớt bè của địch.
Trận cuối cùng của đơn vị Biệt động Hồ Thị Kỷ vào ngày 8/1/1975. Trận này do Tâm, Nga, Hồng, Dũng, Thắm dùng bom nổ chậm chở từ huyện Trần Văn Thời để đánh giang thuyền và bãi tàu đậu tại căn cứ Hải quân của địch. Do quá trình hành quân bị lộ, cả 5 người đều bị bắt, sau giải phóng mới trở về.
Từ cuối năm 1968 đến đầu năm 1973 là thời kỳ địch đánh phá ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ đã hiên ngang đi vào hang ổ quân thù, giáng cho chúng những đòn sấm sét, tạo nên thế trận mới. Quân thù cay cú, lồng lộn nhưng không có cách nào ngăn chặn được. Chiến tích dũng mãnh của Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ anh hùng đã ghi vào lịch sử quê hương vùng cuối trời cực Nam Tổ quốc những trang sáng chói.
Trong những chiến công của Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ anh hùng, không thể không nhắc đến tổ chế tạo vũ khí của công trường thị xã Cà Mau. Xuất phát từ tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch, các anh đã tự tìm kiếm các thứ bom, đạn lép của địch để tự cải tiến thành những thứ có sức công phá lớn. Dù chỉ bằng hộp thuốc lá Ruby, hộp xà phòng thơm, nó vẫn có khả năng huỷ diệt 1 xe cơ giới hoặc 1 kho xăng, kho đạn của địch. Ðiển hình trong các loại vũ khí này là việc lấy quả bom lép 500 kg tại Cả Ðĩa, xã Tân Lợi, tổ công binh làm lại bom nổ chậm, treo dưới lườn xuồng, chị Nguyễn Thị Lòng và Tư Trung hoá trang làm người đi chà gạo để đánh chìm 1 đoàn tàu tại khu vực Cầu Quay cũ.
Chiến công của Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ còn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi hệ thống cơ sở bí mật, hợp pháp của ta đã cài cắm trong lòng thị xã Cà Mau mà quân thù không thể nào biết được. Tại phường 4, có các gia đình Nghê Thị Muôn, Huỳnh Ngọc Ẩn, mẹ chị Lợi, mẹ anh San, Hai Phấn, Khả Tỷ…; phường 8 có gia đình Phan Văn Hoa, Lê Văn Diên, Mười Dừa. Các phường 1, 2, 3, 6, 7 đều có cơ sở của ta, vừa nuôi chứa, vừa tiếp tế phục vụ cho các đơn vị chiến đấu.
Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ còn có những căn cứ giữa lòng dân, đó là 32 gia đình đồng bào ở Cà Mau Bắc, 21 gia đình ở Cà Mau Nam, 15 gia đình ở Nhà Phấn, 11 gia đình ở Cái Bát, Cả Ðĩa…
Sự chăm sóc, đùm bọc, che chở của Nhân dân nội, ngoại ô thị xã Cà Mau đã trở thành chỗ dựa, thành hậu phương vô cùng vững chắc đối với các chiến sĩ biệt động.
Rạch Cây Khô bé nhỏ, hiền hoà không những là căn cứ mà còn là nơi sản sinh nhiều người con dũng cảm của Tổ quốc: chị Kỷ, chị Liên, chị Hoa, anh Bình… cùng hàng chục người khác đều trở thành cán bộ, chiến sĩ của Ðội Biệt động, đều chiến đấu hết sức dũng cảm, kiên cường. Các chị Hồ Thị Kỷ, Nguyễn Thị Lòng, Huỳnh Thị Kim Liên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Dù cuộc sống hiện tại của các chiến sĩ năm xưa còn vất vả nhưng tất cả đều tự vươn lên với ý chí kiên cường như ngày nào. Gặp lại nhau, nhớ mãi những ngày tóc hãy còn xanh, nhớ mãi những chiến công làm cho quân thù khiếp đảm, nhớ mãi những người đã ngã xuống mà càng tự hứa với lòng mình: Phải xứng đáng với quá khứ hào hùng, hãy làm rạng danh những người đã đổ xương máu cho chúng ta có được ngày hôm nay./.