Linh hoạt trong việc đa dạng ngành nghề kinh doanh và chủ động thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế nên nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc mang lại lợi ích cho xã viên.
Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp,ẳngđịnhvaitrhợptcxnngnghiệket qua balan do đó HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp luôn phát triển mạnh về số lượng. Cụ thể, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 270 HTX thì riêng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đến 234 HTX, với tổng số gần 7.500 thành viên và 9.000 lao động. Không chỉ phát triển về số lượng mà chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp cũng ngày càng đi vào chiều sâu.
Ông Trương Cảnh Tuyên (thứ 3 từ phải sang), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến thăm, động viên tại HTX Nông nghiệp Vị Thủy 1, đơn vị có sản phẩm gạo ngon HT đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Phát triển vùng sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo
Từ khi thành lập đến nay, HTX Nông nghiệp Thuận Lợi, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, luôn quan tâm phát triển vùng sản xuất lúa của các thành viên, đồng thời tăng cường liên kết với hộ dân bên ngoài để mở rộng quy mô canh tác và tạo ra sản lượng lúa hàng hóa đủ lớn nhằm cung ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đến nay, HTX Nông nghiệp Thuận Lợi có 122 thành viên, với tổng diện tích canh tác lúa là 490ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết với hộ dân bên ngoài để tạo nguồn nguyên liệu lúa hàng hóa cho HTX với diện tích khoảng 2.200ha. Bên cạnh sản xuất lúa, HTX còn làm nhiều dịch vụ khác như: bơm nước, cung ứng lúa giống và phân bón với giá tốt nhất cho thành viên, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, thực hiện dịch vụ cày, xới đầu vụ…
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thuận Lợi, cho hay: Để thu hút ngày càng đông thành viên vào HTX nhằm mở rộng vùng sản xuất tập trung, diện tích lớn thì giải pháp HTX thực hiện là phải làm cho người dân thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia vào HTX. Điển hình ở khâu bơm tưới, nếu là thành viên HTX thì chỉ tốn 80.000 đồng/vụ, còn hộ dân bên ngoài là 130.000 đồng/vụ. Ngoài ra, khi vào HTX, các thành viên còn được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận; đồng thời được HTX liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với giá cả tốt hơn so với bên ngoài và được bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Riêng năm 2023, HTX được hỗ trợ 80ha lúa sản xuất theo hướng an toàn, gồm lúa giống, phân lân, hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật, với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng; tập huấn cho người dân sản xuất theo hướng an toàn, giảm chi phí, tăng chất lượng và lợi nhuận; hỗ trợ xúc tiến thương mại, bao bì, nhãn mác… Đồng thời, hỗ trợ 50% giá trị 1 máy bay phun thuốc, tương đương 166,5 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thuận Lợi, cho hay: “Nhờ sự hỗ trợ từ đề án mà sản phẩm gạo trắng Jasmine của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX luôn tập trung sản xuất đúng theo tiêu chuẩn để đủ sức cạnh tranh với thị trường và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Hiện nay, HTX trên địa bàn tỉnh không chỉ liên kết tiêu thụ lúa mà còn làm ra gạo sạch, an toàn phục vụ nhu cầu của thị trường, nâng tầm giá trị hạt lúa, gạo khi được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Điển hình tại huyện Vị Thủy, hiện toàn huyện có 3 HTX sản xuất ra các mặt hàng gạo đóng gói, phục vụ cho người tiêu dùng và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, như: HTX Tân Long, xã Vĩnh Tường với thương hiệu gạo sạch Vị Thủy; HTX Nông nghiệp Thạnh Phát, xã Vĩnh Trung với sản phẩm Gạo sạch Minh Quân và HTX Nông nghiệp Vị Thủy 1, xã Vị Thủy, với sản phẩm gạo ngon HT.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp Vị Thủy 1, chia sẻ rằng, trước đây HTX chuyên sản xuất lúa giống mỗi năm bán chỉ khoảng 200 tấn, còn lúa hàng hóa thì bán giá cả bấp bênh. Từ đó, các thành viên Hội đồng quản trị họp bàn và thống nhất làm ra gạo an toàn thực phẩm để bán đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mới mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Hiện thương hiệu Gạo ngon HT của HTX nông nghiệp Vị Thủy 1 cũng đang khẳng định vị trí trên thị trường khi sản lượng bán ra tăng theo hàng năm. Cụ thể, nếu vào năm 2022, HTX bán ra thị trường khoảng 20 tấn gạo thì năm 2023 vừa qua bán được trên 40 tấn gạo, mang lại thu nhập cao cho thành viên HTX.
“Để giúp cho HTX có vùng lúa nguyên liệu làm ra hạt gạo, trong vụ lúa Đông xuân năm trước, HTX được huyện hỗ trợ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 50ha. Riêng trong vụ lúa Đông xuân 2023-2024 này, HTX tiếp tục được hỗ trợ 100ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, qua đây tạo nền tảng cho thành viên HTX làm ra nhiều sản phẩm gạo an toàn cung ứng ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông Nguyễn Thành Lâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp Vị Thủy 1, chia sẻ thêm.
Quan tâm hỗ trợ HTX phát triển
Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên cùng với sự nỗ lực của HTX thì những năm qua, ngành chức năng có liên quan của tỉnh đã triển khai nhiều chính sách từ Trung ương đến tỉnh để hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn tỉnh. Trong đó, điểm nhấn đầu tiên là tỉnh đã hỗ trợ 24 lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại 12 HTX nông nghiệp tham gia Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong thời hạn 36 tháng.
Ông Hồ Văn Phú, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhận định: Bước đầu, các lao động trẻ được tỉnh hỗ trợ về HTX đã phát huy được tính năng động và kiến thức chuyên môn về quản lý, quản trị HTX…Qua đây, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành HTX, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của HTX; đồng thời công tác lập hồ sơ, sổ sách kịp thời và hiệu quả hơn so với trước đây.
Bên cạnh công tác trên thì điều quan trọng là thời gian qua, thông qua chương trình, đề án của Trung ương và tỉnh nên nhiều HTX trên địa bàn tỉnh được đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sản xuất ngày càng hiệu quả hơn. Điển hình, từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã hỗ trợ đầu tư cho 13 HTX để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như trạm bơm điện, nhà kho, lò sấy,… với tổng kinh phí gần 80 tỉ đồng. Hiện các HTX được hỗ trợ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đã phát huy những công năng của công trình, từ đó giúp cho HTX tổ chức hoạt động đạt hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 15 HTX và 3 Liên hiệp HTX nông nghiệp tham gia Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 245 tỉ đồng. Hiện đã có 3 HTX tổ chức khởi công xây dựng công trình, gồm HTX Hiếu Lực của huyện Châu Thành A; HTX Kỳ Như và HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ của huyện Phụng Hiệp.
Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Tiến, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Thời gian qua, HTX được tỉnh quan tâm đầu tư lò sấy lúa, nhà kho, băng chuyền đưa lúa từ dưới kênh lên lò sấy. Với sự hỗ trợ này, HTX đã giải quyết được bài toán về tình trạng thương lái ép giá lúa của nông dân vào mỗi vụ thu hoạch. Bởi từ khi có lò sấy, nhà kho thì thành viên HTX và bà con nông dân bên ngoài có thể sấy lúa khô trữ lại, khi thấy giá bán phù hợp mới tiến hành bán lúa, từ đó góp phần tăng lợi nhuận”.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Xây dựng, phát triển HTX kiểu mới là yêu cầu tất yếu trong nền sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Vì vậy, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả của các HTX, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; qua đây góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh cần tiếp tục vận dụng và triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển HTX, trong đó tập trung hỗ trợ các nội dung, hạng mục cấp thiết đối với kinh tế tập thể, tránh dàn trải để nâng cao hiệu quả hỗ trợ. Riêng các HTX nông nghiệp, mà trọng tâm là về lĩnh vực cây lúa cần quan tâm phát triển sản xuất theo mục tiêu mà Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao đã đưa ra, nhất là về đẩy mạnh sản xuất lúa giống, ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, cũng như áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nhằm tạo ra sản phẩm “gạo sạch” đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị và nguồn thu nhập cho thành viên.
Hiện toàn tỉnh có 28 HTX có sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, với 54 sản phẩm. Trong đó, điển hình một số sản phẩm đặc trưng như cá thát lát rút xương tẩm gia vị, khổ qua rừng nhân chả cá thát lát và chả cá thát lát tươi Kỳ Như (HTX Kỳ Như); chanh không hạt (HTX trái cây sinh học OCOP); gạo tím than (HTX Hiếu Lực); lươn một nắng (HTX nuôi lươn Thuận Phát)… |
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC