EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng các thị trường khác | |
Mở rộng xuất khẩu thủy sản sang thị trường ngách | |
Xuất khẩu nông sản - Chất lượng và nguồn cung quyết định |
Ông Lê Thanh Hoà chia sẻ về yêu cầu khắt khe của các thị trường |
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp”, do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức chiều 22/11, tại TPHCM.
Giấy thông hành tiêu chuẩn, mã số vùng trồng
TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hiện thị trường Trung Quốc mới tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật. Tương tự, các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cũng có quy định nghiệm ngặt về các loại hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Hồ Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát - một trong số các doanh nghiệp đầu tiên thành công trong việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cho biết, đối tác phía Trung Quốc rất thẳng thắn, nếu sầu riêng không đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, doanh nghiệp nước bạn sẽ từ chối mua và không bao giờ quay trở lại.
Theo đó, ông Lê Thanh Hoà khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường. Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa Cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm.
Liên quan đến vấn đề xây dựng, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 cho biết, hiện nay, nhiều thị trường đã yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và được cấp mã số định kỳ.
Trong khi đó, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hiện mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê… Đặc biệt, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
Theo đó, bà Hiền kiến nghị Việt Nam cần chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin mở cửa thị trường, quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động có biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo tới các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình, cũng như khi phát hiện những vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có sự phối hợp, xử lý. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các địa phương để cấp mới, liên kết các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.
Kinh nghiệm hay từ doanh nghiệp
Chia sẻ về kinh nghiệm chinh phục thị trường khó tính, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty Unifarm Bình Dương cho biết, để sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang các thị trường khó tính, khâu đầu tiên là người dân cần phải biết trồng cây gì. Theo đó, cần tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường để có cơ sở lựa chọn sản phẩm để sản xuất. “Sản phẩm được chọn phải vừa có thế mạnh để cung ứng tại thị trường trong nước, vừa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu” - ông Phạm Quốc Liêm chia sẻ.
Sau khi xác định được sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu, ông Phạm Quốc Liêm cho rằng cần phải có kế hoạch, giải pháp cạnh tranh với các quốc gia đang sản xuất sản phẩm đó. “Không nên sản xuất theo tiêu chuẩn của từng thị trường cụ thể mà phải xác định sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất đối với loại nông sản đó” - ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Dương Quang Sáu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam – Vinaseed Group cũng chia sẻ, bên cạnh việc nghiên cứu ra được hệ giống lúa chất lượng cao, công ty còn chọn các vùng sinh thái thích hợp cho sản xuất và đẩy mạnh công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch.
Về ứng dụng công nghệ, Vinaseed đã sử dụng phần mềm Farm Record của Nhật Bản để lưu trữ nhật ký sản xuất và Agritech của Israel sử dụng công nghệ vệ tinh để theo dõi thời tiết, sâu bệnh, quản lý quá trình sử dụng phân bón cũng như thuốc BVTV…
“Qua những hành động cụ thể nói trên, các sản phẩm của Vinaseed đã tạo ra được sự khác biệt và chuẩn hóa trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nên xuất khẩu khá ổn định và giá đạt đúng kỳ vọng”, ông Sáu cho biết thêm.
Để tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị nông sản, ông Sáu đưa ra một số đề xuất như các địa phương có các chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp làm tốt vai trò dẫn dắt trong mối liên kết sản xuất - tiêu thụ; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông hộ; thúc đẩy tích tụ ruộng đất thông qua hỗ trợ nông hộ dồn điền, đổi thửa...