Báo cáo cho thấy các nước đang phát triển ở châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề của sự suy giảm khi ghi nhận mức giảm 12%, trong khi dòng vốn chảy vào châu Phi, châu Mỹ Latinh và Caribe ít nhiều vẫn ổn định. Sự sụt giảm FDI vào các khu vực đang phát triển trong năm ngoái diễn ra trong bối cảnh kinh tế bất ổn và đầu tư yếu kém trên toàn cầu. Báo cáo cho biết, mặc dù dòng vốn trên toàn thế giới đã vượt kỳ vọng trước đó và tăng nhẹ 3% trong năm 2023 lên mức ước tính 1.370 tỷ USD, “mức tăng tổng thể phần lớn là do sự gia tăng ở một số nền kinh tế lớn ở Châu Âu”. Điều đáng chú ý là khi loại trừ các nền kinh tế lớn này, dòng vốn FDI toàn cầu sẽ giảm mạnh đến 18% trong năm 2023. FDI sụt giảm mạnh ở châu Á đang phát triển Trong năm 2023, một số nền kinh tế đang phát triển lớn ở châu Á chứng kiến dòng vốn FDI sụt giảm đáng kể, nhưng vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các dự án mới. Báo cáo cho thấy Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm hiếm hoi dòng vốn FDI trong năm ngoái, với mức giảm 6%. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại chứng kiến mức tăng trưởng 8% trong các kế hoạch đầu tư vào các dự án mới. Tương tự, Ấn Độ chứng kiến dòng vốn FDI giảm 47% nhưng vẫn nằm trong top 5 điểm đến hàng đầu trên toàn cầu cho các dự án mới. Dòng vốn FDI chảy vào các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã sụt giảm 16% trong năm ngoái. Tuy nhiên, khu vực này vẫn hấp dẫn đối với các khoản đầu tư sản xuất với mức tăng đáng kể 37% trong các thông báo về dự án mới ở các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Campuchia. Ở Tây Á, FDI vẫn ổn định ở mức 2% nhờ đầu tư bền vững vào Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nơi chứng kiến các khoản đầu tư mới tăng 28%, chỉ sau Mỹ - nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới. Dòng vốn đến châu Phi không thay đổi Với châu Phi, dòng vốn FDI vào khu vực này gần như không thay đổi trong năm 2023 với ước tính khoảng 48 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với một năm trước đó. Khu vực này chứng kiến sự gia tăng các thông báo dự án đầu tư mới, đặc biệt là ở Maroc, Kenya và Nigeria. Tuy nhiên, mức giảm đáng kể khoảng 33% trong các giao dịch tài trợ dự án – cao hơn mức trung bình toàn cầu – làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của nguồn tài trợ cơ sở hạ tầng ở lục địa. Lạc quan thận trọng Xét về triển vọng, UNCTAD cho rằng năm 2024 có thể sẽ chứng kiến dòng vốn FDI tăng nhẹ trên toàn cầu. “Dự báo về lạm phát và chi phí đi vay ở các thị trường lớn cho thấy sự ổn định về điều kiện tài chính cho các giao dịch đầu tư quốc tế”, báo cáo của UNCTAD nêu rõ. Tuy nhiên, UNCTAD cũng cảnh báo những rủi ro đáng kể, bao gồm căng thẳng địa chính trị, mức nợ cao ở nhiều quốc gia và mối đe dọa về sự phân hóa kinh tế sâu sắc hơn nữa trên thế giới… tất cả đều phủ bóng đen lên bối cảnh đầu tư toàn cầu. |