(CMO) Nếu mùa xuân là mùa hy vọng khởi đầu cho một năm bình an, may mắn thì Vu lan là mùa ân tình, thiêng liêng, nhắc nhở mọi người hãy sống hiếu hạnh để đáp đền tình thương bao la của ông bà, cha mẹ, những người đã hy sinh cả cuộc đời cho các con, các cháu.
Vu lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo mà còn là nét văn hoá đẹp về hiếu đạo thấm sâu trong trái tim của hàng triệu triệu người Việt. Nói đến Vu lan là nói đến mùa báo hiếu, xuất phát từ truyền thuyết về Tôn giả Mục Kiền Liên, bằng tấm lòng hiếu thảo đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Phật tử cài hoa hồng màu vàng lên áo các ni sư chùa Phật Tổ. Người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn - đó là tất cả chúng sinh, vì thế, cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này. |
Hàng năm, vào lễ Vu lan (rằm tháng 7), các chùa trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động để phật tử và người dân đến cầu nguyện, dâng hương tưởng nhớ các bậc sinh thành, người đã khuất; thực hành tu tập các khoá tu về Vu lan báo hiếu; cầu an, cầu siêu; nghe giảng kinh về đạo hiếu… Năm nay, do dịch Covid-19 nên mọi hoạt động đều dừng lại, song niềm hiếu đạo vẫn sâu kín, thiêng liêng trong tâm thức mỗi người.
Từ năm lên 7 tuổi, chị Phạm Thị Anh Tú, giáo viên Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (TP Cà Mau) đã phải xa cha vĩnh viễn. Lúc ấy chị chưa cảm nhận hết nỗi đau mất mát vì còn bé bỏng. Trong tim chị, tình cảm thiêng liêng chất chứa ngày một sâu đậm theo thời gian. Chị quyết định ăn chay từ năm 15 tuổi cho đến nay, mẹ chị cũng ủng hộ và ăn chay luôn. Chị Anh Tú bộc bạch: “Ðừng đợi tới mùa Vu lan mới làm cho có, vì như vậy không phải là hiếu hạnh. Hiếu hạnh phải thường xuyên nuôi dưỡng bằng cái tâm. Việc chăm lo, phụng dưỡng tốt cho đấng sinh thành còn là bài học giáo dục đắt giá cho các con mình. Những ngày hè này, tôi thường ở chùa để phụ đóng gói nhu yếu phẩm tặng các khu cách ly, chốt phong toả”.
Mỗi người có suy nghĩ và cách thể hiện riêng khi nói về chữ hiếu, song chung quy lại là con cháu phải làm cho ông bà, cha mẹ cảm thấy tự hào, nở mày nở mặt với lối xóm, bà con.
Bà Lê Thị Nữ (68 tuổi, ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) tâm tình: “Tôi không quan trọng nhiều về hình thức, miễn sao các con biết đạo nghĩa, kính trên nhường dưới và luôn nỗ lực trong cuộc sống. Bấy nhiêu đó tôi đã cảm thấy an ủi, hạnh phúc rồi. Tiền bạc xài sẽ hết, nhưng đạo đức, nhân nghĩa sẽ theo ta cả cuộc đời”.
Từ cách giáo dục như thế, vợ chồng bà Nữ đã có những đứa con sống thuận hoà, hiếu thảo, chăm lo phát triển kinh tế, các cháu ngoan hiền, học giỏi, là gia đình mẫu mực ở địa phương,
Khi con trưởng thành thì cha mẹ đã già, rồi lại quá già, già đến nỗi lú lẫn như một đứa trẻ, có lúc cha mẹ lại làm cho con cái phải phiền lòng, phải khó chịu, song những người con hiếu đạo vẫn tận tâm chăm sóc cha mẹ già bằng sự kiên nhẫn, chu đáo.
Bà Lý Thị Hồng (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) bộc bạch: “Mẹ tôi năm nay đã 95 tuổi, mắt mờ, tai lãng, nhưng thích được gần gũi con cháu và thích được chiều chuộng, dỗ ngọt. Tôi hàng ngày cơm bưng nước rót, tắm rửa, canh giấc ngủ cho mẹ… Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc khi còn mẹ, chỉ vài năm nữa thôi, có thể không còn cơ hội để chăm sóc, yêu thương”.
Sư cô Thích Nữ Diệu Quang, chùa Phật Tổ, Phường 4, TP Cà Mau, chia sẻ, không phải đợi Vu lan chúng ta mới thể hiện hiếu hạnh mà trong cuộc sống hàng ngày phải sống tốt, làm tròn bổn phận người con; thực hiện nhiều việc thiện, việc lành mới gọi là có hiếu và báo hiếu.
Lễ Vu lan ngày nay không chỉ bó hẹp là một sinh hoạt văn hoá tôn giáo mà đã trở thành một ngày lễ của tinh thần nhân ái giữa con người với con người. Một khi nhân nghĩa trong mỗi người trở thành thói quen thì bao điều tốt đẹp trong cuộc sống không ngừng được nhân lên, lan toả./.
Mộng Thường