Ông Nguyễn Trường Giang,ìsaoquảnlýtàichínhcủagiáodụcđạihọccònmanhmúty le bong datv Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, có rất nhiều bên liên quan (đặc biệt là các bộ, ngành) tham gia vào quá trình phân bổ ngân sách cho các trường đại học. Điều này làm cho quá trình phân bổ ngân sách trở nên quá phức tạp, quản lý tài chính của giáo dục đại học trở nên manh mún.
Nhiều bên liên quan tham gia phân bổ ngân sách
Ông Giang cho biết, phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung tuân theo các quy định trong Luật NSNN năm 2002 (được chỉnh sửa năm 2015); xác định rõ 2 cấp: cấp trung ương và cấp địa phương. Ở cấp trung ương, việc phân bổ ngân sách hoạt động thường xuyên cho các bộ và tỉnh là trách nhiệm của Bộ Tài chính; phân bổ ngân sách cho đầu tư là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ở cấp địa phương, UBND tỉnh là cơ quan chuyên trách và chịu trách nhiệm phân bổ ngân sách.
Như vậy, có rất nhiều bên liên quan (đặc biệt là các bộ) tham gia vào quá trình phân bổ ngân sách cho các trường đại học. Cơ chế này phát sinh một phần do cấu trúc hiện thời của khu vực giáo dục đại học của Việt Nam, khi nhiều trường đại học được đặt dưới sự quản lý của các bộ, ngành. Điều này làm quá trình phân bổ ngân sách trở nên quá phức tạp, đồng thời làm cho quản lý tài chính của giáo dục đại học trở nên manh mún. Do vậy, cơ chế này làm tăng sự rời rạc và trì trệ đối với chính sách ngành khi giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh, trong phân bổ ngân sách và xác định các mức học phí cũng như học bổng. Mặc dù Đề án đổi mới giáo dục đại học đã đưa ra một biện pháp nhằm “loại bỏ sự kiểm soát của các bộ chủ quản”, song điều này vẫn chưa được thực hiện.
Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là cơ quan chịu trách nhiệm tổng thể để giám sát sự phát triển của ngành Giáo dục đại học, nhưng hiện không có cơ chế nào cho phép Bộ GD&ĐT biết và giám sát việc phân bổ ngân sách thực tế đối với các trường ở địa phương và các bộ khác.
“Cùng với sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới, nếu như chúng ta vẫn giữ tư duy là tài trợ cho giáo dục đại học chủ yếu từ NSNN, với khả năng hạn hẹp của NSNN hiện nay thì giáo dục đại học sẽ không phát triển, nhu cầu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và học tập của người dân không được đáp ứng. Sự mất công bằng trong xã hội sẽ tiếp tục duy trì thông qua việc NSNN trợ cấp bình quân mức học phí thấp đối với tất cả các đối tượng theo học đại học, không phân biệt điều kiện thu nhập và khả năng đóng góp của từng đối tượng”, ông Giang cho hay.
Nên hỗ trợ học phí trực tiếp cho người thụ hưởng
Để đổi mới mô hình tài chính giáo dục đại học ở Việt Nam, ông Giang đã đưa ra một số khuyến nghị. Thứ nhất, học phí cần được nâng lên đáng kể với mục tiêu tiến tới bù đắp được chi phí đào tạo cần thiết để đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Thứ hai, việc điều chỉnh học phí cần gắn với việc đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học đối với các đối tượng học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh tài năng, học sinh thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp, gia đình nghèo. Theo đó, để đảm bảo khả năng tiếp cận học tập của người học, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng, cấp học bổng chính sách, học bổng tài năng cho các đối tượng nêu trên.
Thứ ba, cần nghiên cứu thay đổi từ phương thức phân bổ NSNN cho các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay theo dự toán mang tính chất bình quân giữa các cơ sở đào tạo, bình quân giữa các chuyên ngành đào tạo; chuyển sang phương thức Nhà nước đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng. Theo đó, các cơ sở đào tạo đại học sẽ cung cấp dịch vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội và theo đặt hàng của Nhà nước.
Thứ tư, cần đa dạng hóa các nguồn tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học theo hướng nguồn thu học phí từng bước được tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ trọng học phí trong cơ cấu nguồn thu tài chính cần phải giảm về tương đối.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Giang, cần chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ không phụ thuộc vào kinh phí hoạt động từ NSNN, được tự chủ toàn bộ về tài chính, nguồn thu chủ yếu từ các hợp đồng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học từ nhà nước (chuyển phương thức NSNN cấp cho hoạt động thường xuyên của các trường đại học như hiện nay sang thực hiện phương thức NSNN đặt hàng), từ doanh nghiệp, từ học sinh nhập học. Nhà nước chỉ nên lựa chọn cấp kinh phí hoạt động cho một số các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện những nhiệm vụ đặc thù do nhà nước giao, những cơ sở giáo dục đại học ở các khu vực, vùng miền khó khăn, cần có chính sách ưu tiên; những cơ sở đào tạo đại học công lập chậm đổi mới, không thích ứng được cơ chế cạnh tranh sẽ phải chấp nhận tái cơ cấu, sáp nhập, hoặc chuyển giao sở hữu cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước./.
Bùi Tư