Xin ông cho biết, lý do gì để chúng ta phải sửa Luật Thuế XK, Thuế NK hiện hành? Trong việc sửa lần này có điểm gì mới để phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng cải cách hiện đại hóa của đất nước hiện nay?
Tính đến thời điểm hiện nay, Luật Thuế XK, Thuế NK đã được ban hành gần 10 năm, qua một thời gian dài triển khai trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng thì Luật cũng đã bộc lộ những bất cập. Vì vậy để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới, đòi hỏi Luật Thuế XK, Thuế NK cần phải được sửa đổi để đáp ứng mục tiêu cải cách hiện đại hóa trong thời gian sắp tới, và phải phù hợp với những cam kết quốc tế màViệt Nam đã tham gia.
Hiện nay hơn 90% dòng thuế của chúng ta đã thực hiện cắt giảm theo các lộ trình của Hiệp định FTA và các lộ trình thương mại tự do… Trong bối cảnh này đòi hỏi cần phải xây dựng Luật Thuế XK, Thuế NK như là một công cụ để bảo hộ sản xuất trong nước, công cụ để tự vệ của nền kinh tế trước sức cạnh tranh ngày càng lớn của nền kinh tế. Vì vậy, những điểm mới trong việc sửa Luật lần này sẽ tập trung vào những ngành hàng được coi là ngành hàng mũi nhọn, ngành hàng có lợi thế cạnh tranh để từ đó Luật Thuế XK, Thuế NK có những quy định tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành hàng đó. Hoặc là trong bối cảnh nước ta chú trọng phát triền nền công nghiệp trong nước thì cần phải có những quy định tạo thuận lợi hơn cho việc NK trang thiết bị, nguyên vật liệu thuận lợi hơn đối với hàng NK nguyên chiếc. Từ những quy định sửa đổi, sẽ tiếp tục cải cách những thủ tục hành chính như giảm bớt tần suất nộp thuế… đây là những nét chính mà Luật Thuế XK, Thuế NK sẽ sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, cần phải thấy được Luật Thuế XK, Thuế NK đã được ban hành trước khi Hiến pháp mới ra đời, trên tinh thần của Hiến pháp mới, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh thì Luật Thuế XK, Thuế NK sửa đổi lần này cũng sẽ phải thể hiện được nội dung này.
Vấn đề lợi ích quốc gia sẽ được tính đến ra sao trong Luật Thuế XK, Thuế NK sửa đổi khi mà hiện nay các dòng thuế ngày càng phải cam kết giảm? Ông đánh giá mối tương quan giữa Luật Thuế XK, Thuế NK và Luật Hải quan, mối tương quan này có đáp ứng được nguyên vọng của DN không, thưa ông?
Nói một cách chính xác, hiện nay nguồn thu ngân sách quốc gia hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn thu thuế nội địa, thuế NK càng ngày càng cắt giảm, tỷ trọng thu ngân sách của thuế NK chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số thu, ở các nước phát triển tỷ lệ này cũng chỉ chiếm từ 4% đến 5%. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, thuế NK không còn là nguồn thu lớn trong nguồn thu NSNN.
Thực tế, việc giảm thu từ thuế NK không phải là mối lo quá lớn khi mà Luật Thuế XK, Thuế NK sửa đổi ra đời kích thích sự phát triển của nền kinh tế trong nước. Ví dụ như thời gian vừa qua trong bối cảnh giá dầu thô thế giới giảm, chính phủ cũng đã tính toán thất thu từ mặt hàng này khoảng 30 nghìn tỷ, tuy nhiên thực tế, số thu NSNN trong quý I vẫn tăng khoảng 10%. Qua đây cho thấy, tuy giá dầu giảm nhưng bù lại sản xuất trong nước lại phát triển. Vì vậy, việc giảm thu từ thuế NK theo lộ trình cắt giảm thuế không phải là mối lo đối với nguồn thu NSNN.
Với mục tiêu sửa Luật Thuế XK, Thuế NK lần này, những DN sản xuất trong nước tạo ra giá trị cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Bên cạnh đó, với sự ổn định của chính sách thuế như mục tiêu sửa Luật đã đề ra cũng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho DN được ổn định sản xuất. Cùng với đó, để tránh chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật, ban soạn thảo cũng đã rà soát để làm sao các văn bản Luật được thống nhất, quy về một văn bản hướng dẫn.
Mối tương quan giữa Luật Thuế XK, Thuế NK và Luật Hải quan chính là mối tương quan giữa một bên là Luật về chính sách và một bên là Luật về quy trình, thủ tục. Chính sách có rõ ràng thì quy trình, thủ tục mới được rõ ràng hơn về nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Tuy nhiên, Luật Hải quan được sửa đổi trước Luật Thuế XK, Thuế NK, trong đó đã mang tinh thần cải cách thủ tục hành chính như giảm thiểu các giấy tờ, đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng CNTT trong thủ tục hải quan, và đặc biệt quy định rất rõ nghĩa vụ, quyền lợi của các bên trong đó thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp mới và các chủ chương về cải cách thủ tục hành chính mới… Vì vậy mối tương quan này cũng sẽ đáp ứng được nguyện vọng của DN trong tình hình mới.
Một trong những nội dung sửa Luật Thuế XK, Thuế NK là sẽ thực hiện miễn thuế cho các DN nhập nguyên liệu để sản xuất XK. Thực chất vấn đề vẫn chỉ là việc thu và hoàn thuế cũng chính là miễn thuế, vậy tại sao tới thời điểm sửa Luật lần này cơ quan Hải quan mới đề xuất nội dung này, thưa ông?
Thực chất vấn đề ở đây là việc các cơ quan quản lý lo ngại vấn đề DN sẽ gian lận, cho nên thời gian qua mới có quy định nộp thuế trước, khi XK sẽ hoàn thuế sau, điều này cũng để tránh việc DN NK nguyên liệu về nhưng không XK hàng.
Thế nhưng, theo tiến trình phát triển của nền kinh tế, các DN cũng tự nhận thấy rằng để phát triển bền vững thì phải tuân thủ pháp luật, không thể làm ăn theo kiểu chụp giật như trước đây. Hơn thế nữa, các cơ quan quản lý cũng đã đặt niềm tin vào các DN sản xuất, bởi đại đa số các DN hiện nay là làm ăn chân chính. Vì vậy, việc xây dựng chính sách pháp luật cũng cần dựa trên cái đa số chứ không chỉ dựa trên cái thiểu số.
Theo quan điểm như trên, việc xây dựng chính sách pháp luật theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho đại đa số các DN tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ phải xây dựng công cụ quản lý mạnh để chống lại thiểu số DN không tuân thủ pháp luật. Cùng với đó, cần phải tập trung công tác tuyên truyền để DN hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật. Theo đó, việc sửa Luật Thuế XK, Thuế NK lần này sẽ sửa đổi một số nội dung theo hướng cởi mở hơn với DN, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất của DN trong nước để bảo hộ sản xuất trong nước …
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân (Cục Hải quan Quảng Ninh). Ảnh: T.TRANG |
Xin ông cho biết, tiến trình xây dựng Luật Thuế XK, Thuế NK sửa đổi được thực hiện ra sao?
Chủ trương của Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ là thông qua Luật Thuế XK, Thuế NK sửa đổi lần này trong một kỳ họp của Quốc hội, theo kế hoạch, tháng 10-2015 Luật sẽ được Quốc hội thông qua và đến giữa năm 2016 Luật sẽ có hiệu lực.
Tuy nhiên đây mới là chủ trương của Bộ Tài chính và dù Chính phủ quyết định theo hướng nào thì Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện theo tiến độ khẩn trương để thực hiện đầy đủ các nội dung của Luật, để khi Chính phủ duyệt chủ trương đó sẽ có sẵn nội dung trình ra Chính phủ và Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!