Có những gia đình liệt sĩ sau mấy mươi năm mới tìm được hài cốt người thân đã hy sinh nhưng có những gia đình đi tìm kiếm cả đời người vẫn chưa được hưởng niềm vui đó,ềmvuivmongmỏicủanhiềugiađnhliệtsĩkq bochum nên công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn đang được tiếp tục...
Ngành chức năng trong một đợt tổ chức tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.
“Đoàn tụ” sau gần 47 năm mòn mỏi tìm kiếm
Tìm đến nhà ông Bùi Tiến Kiệt (66 tuổi), ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, trong một ngày cuối tháng 4 lịch sử, đến đây ai cũng cảm nhận rõ niềm vui, hạnh phúc của ông Kiệt và anh chị em, khi gia đình này vừa tìm được phần mộ của người thân, là liệt sĩ Bùi Tiến Mảnh (Đại đội phó Đại đội Pháo 7 (C7), Trung đoàn 1, Quân khu 9), sau gần 47 năm mòn mỏi tìm kiếm khắp nơi.
Nhà ông Kiệt có 6 anh em trai, ở tuổi thanh xuân tất cả đều hăng hái lên đường chiến đấu chống quân thù, bảo vệ Tổ quốc theo tiếng gọi quê hương. Khi đất nước thống nhất, Bắc Nam liền một mối, 2 trong số 6 anh em đã mãi mãi nằm lại chiến trường và nặng lòng hơn là đều bị lạc mất thông tin về nơi chôn cất khi hy sinh. Theo lời kể của gia đình, cả hai liệt sĩ những năm đó làm nhiệm vụ ở Đại đội Pháo 7 (C7), Trung đoàn 1, Quân khu 9, đi chiến đấu nhiều nơi ở ĐBSCL.
Ngoài người anh thứ 3 là liệt sĩ Mảnh vừa tìm được phần mộ, người còn lại là người em thứ 5 trong gia đình - liệt sĩ Bùi Văn Bé (hy sinh khoảng năm 1972 tại Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), gia đình chỉ biết thông tin rất ít ỏi về phần mộ: Đang được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Sắp tới, gia đình sẽ đến nơi đó để tìm hiểu thông tin.
Theo lời kể của ông Kiệt, mong muốn tìm lại mộ những người thân đeo đẳng ông và gia đình suốt mấy chục năm qua, cứ nghe ở đâu có thông tin về mộ chiến sĩ đơn vị của người thân mình ngày xưa là gia đình liền tìm đến và rồi trở về trong thất vọng. Mãi cho đến tháng 3 năm nay, sau nhiều chờ đợi, nỗ lực đã được đền đáp, khi gia đình nhận được thông tin về liệt sĩ Mảnh có phần mộ ở tỉnh Vĩnh Long chính là 1 trong 2 liệt sĩ mà bấy lâu gia đình tìm kiếm.
Cầm trên tay bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Bùi Tiến Mảnh, ông Kiệt nghẹn ngào: “Anh tôi hy sinh năm 1975, khi ấy khoảng 22 tuổi trong một trận đánh bên Ba Càng (tỉnh Vĩnh Long). Đi tìm mộ gian nan lắm, bên Vĩnh Long có 4 nghĩa trang thì chúng tôi đi hết, mà đâu chỉ đi 1 lần, có nghĩa trang đến 3 lần, có nghĩa trang đi 2 lần, nhưng linh cảm mách bảo sẽ tìm được nên chúng tôi không bỏ cuộc, cứ nghe tin lại đi tìm. Tháng 3 năm nay, gia đình được báo tin phần mộ của anh Mảnh đang ở nghĩa trang bên tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi mừng lắm, làm tất cả thủ tục, xét nghiệm ADN… Nói ra thì vài câu nhưng đó là hành trình rất gian nan, nhiều khi thấy hết hy vọng, chứ mình đi tìm kiếm gần cả đời người còn gì. Dự kiến, năm tới, chúng tôi sẽ liên hệ địa phương làm thủ tục quy tập phần mộ của anh trai về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hậu Giang”.
Tìm được hài cốt người thân cũng là niềm vui lớn nhất, là ước nguyện cả đời người của gia đình ông Phan Văn Hiệp, ngụ ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp. Ông Hiệp cho biết: Năm 2018, gia đình đã tìm được hài cốt của anh ruột là liệt sĩ Phan Văn Hảo, hy sinh năm 1962, khi mới 16 tuổi. Lúc đó, anh trai ông được gia đình và người dân chôn cất đàng hoàng. Tuy nhiên, do địa hình, địa vật thay đổi theo thời gian nên công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ tìm kiếm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mong mỏi của gia đình nay đã trọn vẹn. “Gia đình tôi đã trải qua thời gian dài tìm kiếm vất vả mới có được ngày đoàn tụ. Chúng tôi chân thành cám ơn Đảng, Nhà nước, quân đội, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đã tận tình giúp đỡ để quy tập hài cốt anh trai về ở nghĩa trang, về với quê hương, gia đình, dòng họ”, ông Hiệp rơm rớm nước mắt bày tỏ.
Bên cạnh niềm vui của những gia đình liệt sĩ đã tìm kiếm được mộ người thân bị thất lạc, đến nay vẫn còn những gia đình chưa làm được điều này, ngày qua ngày vẫn mong mỏi, dò tìm thông tin để mong các liệt sĩ trở về với gia đình…
“Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”
Xác định công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ là trách nhiệm lớn của cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang tỉnh. Ban Chính sách, Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) luôn nỗ lực hết mình, bố trí lực lượng bám nắm ở cơ sở để làm sao tìm rõ, kỹ thông tin.
Với phương châm “Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập” từ năm 2014 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã tìm kiếm, quy tập được 37 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 30 mộ lẻ và 1 mộ tập thể (7 liệt sĩ).
Thượng tá Huỳnh Văn Thép, Trưởng Ban chính sách, Phòng chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), thông tin: “Khi có thông tin, đơn vị tiến hành xác minh và xây dựng kế hoạch để đưa các chú, các anh về nghĩa trang. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập thông tin ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quốc để tiếp tục chuẩn hóa thông tin, nếu có phát hiện liệt sĩ sẽ tiến hành quy tập ngay. Khi tìm được hài cốt các chú, các anh chúng tôi rất vui sướng, bao mệt mỏi đều tan biến, chỉ mong sao sớm đưa các chú, các anh về nghĩa trang, về với gia đình”.
Cũng theo lời thượng tá Huỳnh Văn Thép: Trong tìm kiếm mộ liệt sĩ thì việc xác định thông tin liệt sĩ là khâu khó khăn nhất vì các nhân chứng sống, từng tham gia chiến đấu, biết về trận đánh thời điểm đó phần lớn già yếu, có người đã qua đời. Dù khó khăn là vậy, nhưng đơn vị luôn cố gắng vượt qua, chắt chiu từng manh mối ít ỏi. Khi nắm được một thông tin, đơn vị tiến hành xác minh, thu thập, gặp nhân chứng sống, xác định kỹ rồi tiến hành, báo cáo cấp trên và thực hiện các bước quy tập. Đến nay, các ấp, xã, huyện trên địa bàn đều chuẩn hóa thông tin liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đơn vị đã xác lập bản đồ quy tập hài cốt liệt sĩ cấp tỉnh, báo cáo Quân khu 9.
“Đối với thực hiện Hướng dẫn 2598 của Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 về việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, từ đây đến cuối năm, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương cấp xã và cấp huyện tiếp tục chuẩn hóa thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định danh tính liệt sĩ khi tìm được, để bản đồ quy tập hài cốt liệt sĩ được chuẩn xác hơn, công tác nắm tung tích liệt sĩ thất lạc trên địa bàn rõ thông tin hơn, giúp bà con các nơi khi đến quê hương Hậu Giang tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cũng dễ dàng hơn”, Thượng tá Huỳnh Văn Thép thông tin thêm.
Linh hoạt các giải pháp tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trọng tâm hướng tới là tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tổ chức các lực lượng tìm kiếm, quy tập phải gọn, cơ động, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nâng cao khả năng phối hợp giữa cơ quan quân sự, ngành lao động - thương binh và xã hội, hội cựu chiến binh các cấp trong tiếp nhận, vận động cung cấp thông tin, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; bổ sung vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ phục vụ công tác giám định ADN theo nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ. |
Bài, ảnh: NHẬT MINH