Rất khó nếu muốn trò chuyện dài với chị Thắm qua gọi điện hay nhắn tin,ườiphụnữnămungthưmáulầnbịbệnhviệntrảvềltd serie a bởi người phụ nữ 48 tuổi luôn tất bật với công việc. Ngoài kinh doanh quần áo để có thêm thu nhập, chị dành gần hết khoảng thời gian còn lại cho việc làm từ thiện.
Có những hôm, chị cùng nhóm thiện nguyện mất cả ngày dài để đi tới các điểm miền núi xa xôi của Lào Cai, trao quà cho người nghèo. Nhiều đoạn đường trơn trượt, nhóm phải đi bộ tới cả 5-7 km.
Nhìn chị Thắm luôn vui tươi, rạng rỡ và bận rộn như vậy, có lẽ người lần đầu gặp sẽ không thể biết chị đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư máu.
Tháng 6/2009, chị Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1972, Lào Cai) nhận tin mình mắc ung thư máu. Trưa hè miền Bắc nắng như đổ lửa, nhưng trước mắt chị chỉ toàn màu xám.
Bác sĩ cho biết, Thắm bị ung thư máu bạch cầu cấp dòng tủy, thể bệnh sẽ diễn biến nhanh và có độ ác tính cao. Đi khám 3 bệnh viện lớn ở Hà Nội để kiếm tìm chút hy vọng mong manh, chị vẫn chỉ nhận được kết quả duy nhất.
Chị Nguyễn Thị Thắm đã có 11 năm sống chung với bệnh nguy hiểm |
Sốc, suy sụp, chị Thắm không thể gượng dậy trong suốt 1 tháng đầu tiên. Chị nghĩ, các bệnh ung thư khác còn có hy vọng phẫu thuật cắt bỏ khối u hay xạ trị, nhưng ung thư máu thì đâu còn cơ hội. Bởi vậy, chị từ chối lên viện điều trị vì không muốn gia đình tốn tiền.
Biết dự định của vợ, chồng của chị Thắm phản đối quyết liệt. Anh bảo: “Dù phải bán hết tất cả, dù anh có phải ra đường ở nhưng đổi lại em có thêm một vài ngày để sống, anh cũng chấp nhận”.
Chị Thắm rơi nước mắt sau câu nói của chồng. Ít hôm sau, chị nhập Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để điều trị bệnh. Tại đây, chị Thắm được áp dụng phương pháp điều trị hóa trị tích cực và hướng tới việc ghép tế bào gốc nếu đủ điều kiện.
Từ khi vào viện, chị Thắm thay đổi hẳn suy nghĩ. Không còn ủ rũ, dằn vặt bản thân, chị tập cho mình lối suy nghĩ tích cực.
“Ở bệnh viện có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Một số người bệnh nặng nhưng không có người thân bên cạnh, chỉ một mình lủi thủi đi xin từng bữa ăn để được sống, để được tiếp tục điều trị. Họ khổ như vậy nhưng không bỏ cuộc, vậy tại sao tôi không thể cố gắng?”, chị Thắm tâm sự.
Tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ, chị Thắm luôn giữ suy nghĩ lạc quan ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất.
Năm 2012-2013 là giai đoạn bệnh trở nặng nhất. Thời điểm đó, chị Thắm phải nằm viện triền miên, có những lúc không thể đi lại, chỉ có thể bò lết khi di chuyển. Cả cơ thể đau nhức tới quằn quại, da vàng, mặt sưng phù, nhợt nhạt như không còn chút máu.
Đỉnh điểm, có giai đoạn chị kháng thuốc, không đáp ứng phác đồ điều trị, sức đề kháng suy giảm trầm trọng. Hai lần vào tháng 4/2012 và tháng 6/2013, chị Thắm bị bệnh viện trả về, gia đình đã chuẩn bị tâm lý lo chuyện hậu sự. Thế nhưng, chị may mắn vượt qua để lại tiếp tục chiến đấu với bệnh.
Bệnh ung thư máu thể cấp tính diễn biến nhanh, những người bạn vào điều trị cùng thời điểm với chị Thắm đều đã lần lượt ra đi. Có người chỉ gắng trụ được một vài tháng, người cố gắng được hơn một năm. Chị Thắm hiểu điều ấy, thế nhưng không vì thế mà cho phép mình buông xuôi.
Tháng 8/2015, chị Thắm trải qua ca ghép tủy bằng tế bào gốc tự thân. Bác sĩ cho biết, đây là con đường duy nhất để bệnh nhân ung thư máu như chị có thêm cơ hội sống. Trước và sau phẫu thuật, chị đều được cách ly trong phòng riêng 1 tháng để đảm bảo vô trùng, tránh nhiễm khuẩn.
Sau ca phẫu thuật, cơ thể chị Thắm dần hồi phục, có thể đi lại được bình thường. Từ đó tới nay, chị cho biết sức khỏe đã ổn hơn, bớt đi các cơn đau nhức. Đều đặn mỗi tuần một lần, chị duy trì việc lên bệnh viện kiểm tra, sau đó truyền thuốc hoặc lấy thuốc uống.
Nhóm thiện nguyện của chị Thắm tại các buổi trao quà, phát phần ăn sáng miễn phí cho bệnh nhân |
Khỏe mạnh hơn, chị Thắm tiếp tục kinh doanh quần áo để có thêm thu nhập. Dù bận rộn, chị vẫn dành phần lớn thời gian hàng ngày cho một việc thật đặc biệt: làm từ thiện. Thương các hoàn cảnh khó khăn, ban đầu, chị Thắm tự gom góp mua tặng vài gói xôi, chiếc bánh mì cho bệnh nhân nghèo.
Đến năm 2013, chị gặp những người đồng chí hướng thiện tâm tại chùa Quán Sứ và quyết định lan dần hoạt động thiện nguyện, đặt tên nhóm là “Trái tim hồng”. Hoạt động chính của nhóm là phát đồ ăn sáng miễn phí cho bệnh nhân tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt. Dần dần, ngày càng nhiều người biết đến nhóm và cùng chung tay lan tỏa yêu thương.
Nụ cười rạng rỡ, đôi tay nhanh nhẹn trao từng suất ăn tới tận tay người bệnh, chị Thắm thủ thỉ: “Bác cố gắng lên nhé, cháu cũng là bệnh nhân ở đây”.
Chị Thắm trò chuyện cùng bệnh nhân tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương |
Chị Thắm bảo, chị luôn muốn cho những bệnh nhân khác thấy được hình ảnh người mắc ung thư máu vẫn có thể sống vui khỏe, mạnh mẽ. Biết đâu, họ từ đó sẽ có thêm niềm tin, niềm lạc quan với cuộc đời?
Bệnh hiểm nghèo vô thường, nhưng chị Thắm bảo dù chỉ còn một ngày để sống, chị cũng sẽ sống tích cực và lan tỏa đi tình yêu thương.
Nguyễn Liên
Cô gái Việt mắc bạch tạng thành mẫu ảnh khiến bao người ngoái nhìn
Mắc bạch tạng từ nhỏ, thường xuyên phải chịu sự bàn tán, chỉ trỏ từ những người xa lạ, Quỳnh chưa bao giờ dám nghĩ mình có thể xinh đẹp với khuôn mặt mộc và màu tóc tự nhiên…