(Dân trí) - Công viên chạy dọc 1,1km theo sông Sài Gòn từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm, quy mô 10ha được đề xuất thực hiện ngay để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Sau khi bờ sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến nóc hầm vượt sông Sài Gòn) hoàn tất chỉnh trang, cải tạo thành quảng trường, Trung tâm Phát triển hạ tầng Kỹ thuật (UBND TP Thủ Đức) vừa đề xuất tiếp tục đầu tư, cải tạo khu bờ sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm) thành công viên.
Việc cải tạo dự kiến thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, hoàn thành trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ý tưởng này nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, tạo nên sân chơi mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí tại tổ hợp công viên, quảng trường ven sông.
Theo Trung tâm Phát triển hạ tầng Kỹ thuật TP Thủ Đức, công viên (đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm), thuộc phường Thủ Thiêm dự kiến có tên Công viên Sáng tạo, quy mô chiều dài dọc bờ sông khoảng 1,1m, ngang theo mép bờ cao 100m-120m.
Công viên Sáng tạo sẽ được thực hiện trên diện tích hiện hữu 10ha, hiện khu vực là thảm thực vật tự nhiên, địa hình không bằng phẳng, hướng địa hình thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn. Một số vị trí có địa hình trũng thấp, bị ngập nước, đa dạng thực vật sinh trưởng tự nhiên lẫn cỏ dại, rác và xà bần.
Công viên sau khi hoàn thành dự kiến có các hạng mục chính như: Khu tổ chức sự kiện; khu công viên trung tâm; đường chạy bộ/ xe đạp ven sông; nhà điều hành và tiện ích; bãi đậu xe.
Trung tâm Phát triển hạ tầng Kỹ thuật TP Thủ Đức nhận định công viên có vị trí đắc địa, mặt tiền sông Sài Gòn, hướng đối diện là công viên Ba Son. Sau khi cải tạo, công viên sẽ tạo mỹ quan cho cả khu trung tâm quận 1 và ngã ba kênh Thị Nghè giao với sông Sài Gòn.
Khu vực này hiện là đất trống, có thể triển khai ngay để phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán.
Hồi cuối năm 2023, quảng trường công viên ven bờ sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn) khánh thành và trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn tại TPHCM.
Khu vực này rộng khoảng 20ha, dài khoảng 600m với tổng kinh phí khoảng 90 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.