Tăng trưởng kinh tế số từ thương mại điện tử bền vững Liên kết phát triển logistics – động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ Khu thương mại tự do - đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế |
Ông Andrew Farrelly - Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập của công ty CT Strategies. Ảnh: Hoàng Cường |
Ông mong muốn gì khi tham gia Hội nghị và Triển lãm công nghệ 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tại Hà Nội, Việt Nam?
CT Strategies chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để tạo thuận lợi thương mại, giải pháp logistics, quản lý biên giới và phát triển các khu thương mại tự do. Chúng tôi luôn hỗ trợ Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) trong các sự kiện và tham dự tất cả các hội nghị công nghệ mà WCO tổ chức, thường là với vai trò diễn giả hội nghị. Tại hội nghị lần này, tôi cũng điều phối một phiên thảo luận chuyên đề về công nghệ mới.
Các chuyên gia làm việc tại CT Strategies là các chuyên gia tư vấn, nguyên là các cán bộ Hải quan của các tổ chức Hải quan trên thế giới nên chúng tôi hiểu rất rõ về các quy trình hoạt động của hải quan.
Hiện nay, công ty của chúng tôi đang tập trung thực hiện dự án thành lập các khu thương mại tự do và vận hành hiệu quả các khu thương mại tự do hiện đại tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, các khu thương mại tự do sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam.
Ông có thể nói rõ hơn về dự án thành lập khu thương mại tự do tại Việt Nam mà CT Strategies đang triển khai?
Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với một DN và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện dự án thành lập khu thương mại tự do ở đây.
Chúng tôi đang trong giai đoạn nghiên cứu tính khả thi về việc thành lập khu thương mại tự do nhằm xây dựng khung pháp lý, quy trình hoạt động, đánh giá thị trường.
Chúng tôi hi vọng rằng với sự phối hợp với các bên liên quan và sự hỗ trợ của chính quyền trung ương và địa phương, khu thương mại tự do sẽ đi vào hoạt động trong vòng một năm thực hiện dự án.
Bên cạnh đó chúng tôi mong muốn phát triển dự án thành lập khu thương mại tự do ở các tỉnh thành khác như Vũng Tàu, Quảng Trị và Đà Nẵng. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận với chính quyền địa phương và các bên liên quan về lợi ích của khu thương mại tự do mang lại không chỉ cho Hải quan mà cho cả nền kinh tế địa phương nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung.
CT Strategies có triển khai các chương trình đào tạo để thực hiện dự án này không, thưa ông?
Chúng tôi đã thực hiện một số chương trình đào tạo cho rất nhiều đối tượng do chính các chuyên gia của chúng tôi giảng dạy để vận hành hiệu quả các khu thương mại tự do tại Việt Nam. Bởi vì khi khu thương mại tự do được thành lập, cơ quan Hải quan, DN, các cơ quan quản lý liên quan cần được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực này.
Xin ông cho biết những chương trình, dự án hợp tác của CT Strategies?
Chúng tôi đã hợp tác với hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Chúng tôi tập trung vào các chương trình, dự án như chương trình DN ưu tiên và hiện tại chúng tôi đang thực hiện chương trình này ở khu vực Balkan, đồng thời phối hợp triển khai dự án ứng dụng công nghệ và quy trình kiểm tra với Hải quan Columbia.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hỗ trợ xây dựng các chương trình DN ưu tiên ở Úc, Dubai và Abu Dhabi. Không chỉ thế, chúng tôi thường xuyên đánh giá việc triển khai công nghệ mà chúng tôi cung cấp ở Colombia và Panama.
Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực để cung cấp các giải pháp hỗ trợ cơ quan Hải quan vận dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.
Hiện nay, các nhà cung ứng công nghệ đều có chuyên gia rất giỏi và có trình độ chuyên sâu về công nghệ, cung cấp nhiều giải pháp về công nghệ nhưng không phải nhà cung ứng nào cũng có thể tạo ra các sản phẩm công nghệ phù hợp, đáp ứng được yêu cầu kiểm soát hải quan tại biên giới.
Do đó, CT Strategies là đơn vị cung cấp các dịch vụ, giải pháp kết nối công nghệ và người sử dụng nhằm tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ trong các hoạt động tại cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Ông đánh giá thế nào về ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chuyên môn của Hải quan Việt Nam trong thời gian qua? Và công nghệ có thể thay thế con người trong thực thi nhiệm vụ được không, thưa ông?
Hải quan Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Tôi cho rằng Hải quan Việt Nam đã và đang chủ động các bước tiếp theo để tiếp tục hiện đại hóa hải quan và trở thành cơ quan dẫn đầu về ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.
Công nghệ là cần thiết nhưng công nghệ sẽ không thể thay thế con người, tuy nhiên con người cần phải đón đầu công nghệ, làm chủ được công nghệ. Hiện nay, mọi thứ xung quanh chúng ta đều phát triển và công nghệ cũng không ngừng phát triển, vì vậy việc ứng dụng công nghệ vào trong các hoạt động đời sống của con người là điều tất yếu.
Như chúng ta đã biết, yếu tố giúp cho các giao dịch thương mại hiệu quả và an toàn đó là tốc độ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng. Vậy cách duy nhất để làm điều đó là ứng dụng công nghệ mới. Do đó, khi con người thực sự làm chủ được công nghệ, thì chúng ta sẽ tận dụng được lợi ích mà nó mang lại.
Xin cảm ơn ông!