| Kiều hối về TPHCM tăng ấn tượng bất chấp Covid-19 |
| Đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo. |
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho biết, hội thảo nhằm thảo luận các giải pháp để huy động tối đa nguồn lực kiều hối trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài qua hệ thống ngân hàng thương mại và công ty kiều hối. Khuyến khích người Việt ở nước ngoài đóng góp vào các dự án phát triển xã hội, giáo dục, y tế và môi trường tại Việt Nam. Tăng cường quản lý và sử dụng các nguồn lực kiều hối hiệu quả nhằm bảo đảm các khoản đầu tư và khoản tài trợ được sử dụng đúng đắn, hiệu quả… Thông tin tại hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, trong giai đoạn 10 năm (2012 - 2021), nguồn kiều hối chuyển về thành phố tăng trưởng đều đặn từ 4,1 tỷ USD năm 2012 lên 6,6 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, tổng số kiều hối của Việt Nam tăng tương ứng là 10 tỷ USD năm 2012 lên 18,1 tỷ USD vào năm 2021. Riêng năm 2022, TPHCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối với 6,6 tỷ USD và trong quý I/2023 lượng kiều hối về thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối về TPHCM luôn duy trì ở tốc độ tăng trưởng khá và chiếm tỷ trọng cao nhất cả nước, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế Thành phố. Những yếu tố để kiều hối về Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng tăng mạnh là do các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút kiều hối luôn được duy trì như người thụ hưởng không phải đóng thuế, phí cho nhà nước; các phương thức chuyển, nhận tiền ngày càng thuận tiện. Theo ông Lệnh, trong thời gian tới, TPHCM cần tiếp tục củng cố và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong đó, phải cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư, nguồn kiều hối chuyển về để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lĩnh vực công nghệ; phát triển kinh tế xanh… Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Bùi Việt Khôi, Tham tán Khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia cho rằng, quốc gia này có 350.000 người Australia gốc Việt, phần lớn kiều bào đều có trình độ, thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung. Do đó, việc thu hút kiều hối ở các nước phát triển, trong đó có Australia là hết sức quan trọng. Ngoài việc gửi tiền về giúp đỡ gia đình, kiều bào còn quan tâm làm sao để nguồn tài chính nhàn rỗi của mình được đầu tư và đem lại hiệu quả cao nhất; mong muốn thủ tục sở hữu bất động sản thuận lợi để được sở hữu ngôi nhà tại quê hương. Từ đó, ông Bùi Việt Khôi mong các cơ quan trong nước nghiên cứu chính sách làm sao thu hút nguồn lực kiều bào từ các nước phát triển tốt hơn. Đồng quan điểm, GS Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ cho rằng, kiều bào ở nước ngoài mong muốn được gửi kiều hối về Việt Nam để đầu tư vào nhà ở, khi đó vẫn là tài sản của họ. Còn nhờ người khác đứng tên thì rủi ro mất mát tài sản. Theo đó, GS Phú đề xuất nên cho phép, khuyến khích bà con được sở hữu nhà ở, khi đó thu hút kiều hối hiệu quả hơn. TS. Lê Thị Thanh Nhàn, Giảng viên cao cấp, chuyên gia về tài chính, Đại học quốc gia Australia (ANU) nhận định, việc thu hút kiều hối như việc đầu tư một nông trại, trồng càng nhiều cây thì thu hoạch càng lớn. Do đó, TPHCM cần có các giải pháp cụ thể để tăng nguồn lực kiều bào. Trong đó, cần tăng số lượng, chất lượng xuất khẩu lao động; các ngân hàng đầu tư nhiều tiện ích để kiều bào chuyển tiền thuận lợi hơn, giảm chi phí chuyển tiền. Ngoài ra, tại hội thảo các chuyên gia tài chính kinh tế, ngân hàng, các quỹ tài chính trong nước và quốc tế đã có những góp ý, đề xuất những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về đầu tư và phát triển kinh doanh tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm phụ trách Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết, cơ quan này sẽ tiếp thu, tổng hợp và tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp từ cơ quan quản lý, người trực tiếp gửi kiều hối, trình lãnh đạo TPHCM sớm hoàn thành Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM. |