Lộ bê-tông mới được xây dựng hoàn thành, thẳng tắp, len lỏi tận các xóm dân cư miệt rừng thuộc tuyến kinh 35, ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Nơi đây từng là một trong những khu vực khó khăn nhất của huyện U Minh. Vào những năm 2000, rừng có, đất có nhưng thu nhập người dân không đáng là bao. Bởi lúc đó, tỷ lệ ăn chia thấp cộng với việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên có năm người dân phải chịu cảnh trắng tay vì mất mùa. Bây giờ, cuộc sống đã khác, những căn nhà cơ bản ngày một nhiều hơn.
Lộ bê-tông mới được xây dựng hoàn thành, thẳng tắp, len lỏi tận các xóm dân cư miệt rừng thuộc tuyến kinh 35, ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Nơi đây từng là một trong những khu vực khó khăn nhất của huyện U Minh. Vào những năm 2000, rừng có, đất có nhưng thu nhập người dân không đáng là bao. Bởi lúc đó, tỷ lệ ăn chia thấp cộng với việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên có năm người dân phải chịu cảnh trắng tay vì mất mùa. Bây giờ, cuộc sống đã khác, những căn nhà cơ bản ngày một nhiều hơn.
Đất khó chuyển mình
Trong những tháng mùa khô này, anh Huỳnh Văn Thảo, ấp 13, xã Nguyễn Phích, đang tranh thủ tập kết vật liệu xây dựng để chuẩn bị xây ngôi nhà mới. Anh Thảo cho biết: “Lúc này, đang mùa chống cháy nên phải túc trực giữ rừng. Ðây cũng là lúc mình có thời gian để làm nhà. Ngôi nhà này là số tiền tôi tích góp được từ việc khai thác tràm năm rồi cộng với khoản tiền của mấy mùa ăn ong. Hồi trước, tôi không nghĩ là mình sẽ xây được nhà ở đây”.
Người dân trên lâm phần rừng tràm có thu nhập ổn định từ khai thác lâm sản. |
Sở dĩ anh Thảo bi quan như vậy vì nơi đây thực sự là vùng đất khó. Cũng giống như nhiều hộ dân khác, anh Thảo nhận được 7 ha đất rừng giao khoán của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, trong đó có 5 công đất ruộng, còn lại trồng tràm. Ðây là vùng đất trũng, lại bị nhiễm phèn nặng nên năm nào mưa nhiều, nước lớn coi như thiếu đói. Với 1 ha rừng thời điểm trước cũng chỉ bán được khoảng mười mấy triệu đồng (sau khi ăn chia), nhưng chừng chục năm mới được khai thác. Dân không mặn mà, thi nhau chặt phá nên rừng cũng mất giá trị.
Chỉ tay về cánh rừng mới trồng lại gần 2 năm tuổi, anh Thảo phấn khởi: “Giờ thì khác rồi, rừng là tài sản của chúng tôi, chỉ cần đợi vài ba năm nữa là có thu nhập. Trong lúc chờ đến ngày khai thác, dân ở đây ăn ong, trồng màu trên bờ xáng. Chỉ tiếc ở đây phèn nhiều quá chưa thể nuôi cá đồng được”.
Ðiều làm anh Thảo và những hộ dân khu vực tuyến kinh 35 phấn khởi hơn chính là năm rồi người dân có vụ lúa được mùa nhất từ trước đến nay. Có hộ thu hoạch trên 30 giạ/công. Nguyên nhân là do năm rồi lượng mưa vừa phải, cộng với việc dân đã được cho phép múc lên khuôn nên chủ động hơn trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất.
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện ấp 13, xã Nguyễn Phích chỉ còn 17/128 hộ nghèo, chiếm hơn 13%. Mặc dù cao hơn số hộ nghèo bình quân của huyện (10,76%) nhưng đây thực sự là con số ấn tượng đối với một ấp khó thuộc khu vực lâm phần.
Lấy ngắn nuôi dài
Gắn bó với đất rừng U Minh gần 30 năm, đến nay, ông Nguyễn Văn Dũng, ở ấp 11, xã Khánh Thuận đã thực sự đổi đời từ kinh tế rừng. Ông xây được căn nhà hơn 300 triệu đồng, vừa được đưa vào sử dụng gần tròn 1 năm. Bây giờ, chạy dọc theo con lộ nhựa dẫn về xóm 7 kinh, kinh 25, 27, 29 thuộc các ấp từ 12-18, xã Khánh Thuận, không khó để bắt gặp những căn nhà khang trang như của ông Dũng.
Với 7 ha đất hiện có, ông Dũng dành phân nửa trồng rừng, còn lại làm lúa. Năm 2014, ông khai thác tràm được 320 triệu đồng. Phấn khởi từ vụ tràm trước, ông nhanh chóng cải tạo trồng lại vụ tràm mới theo hình thức thâm canh. Ông trồng keo lai và tràm truyền thống mỗi loại 1,8 ha.
Theo ông Dũng: “Mặc dù keo lai có giá trị kinh tế cao, rút ngắn thời gian thu hoạch nhưng tôi vẫn quyết giữ cây tràm truyền thống vì đây mới thực sự là loại cây bền vững. Việc quy hoạch trồng rừng kinh tế bây giờ rất phù hợp. Ðây là điều kiện để người dân xứ rừng vươn lên. Nhớ lại cảnh phải chạy ăn từng bữa của 10 năm trước, giờ cuộc sống quá đầy đủ. Trong 10 nhà thì có 4-5 nhà tường”.
Khác với khu vực ấp 13, xã Nguyễn Phích, xóm dân cư thuộc xã Khánh Thuận có lợi thế từ việc khai thác sản vật dưới tán rừng. Do vùng đất này không bị nhiễm phèn nên người dân tận dụng bờ xáng lâm phần để trồng hoa màu, cây ăn trái, tận dụng mặt nước nuôi cá đồng và sống nhờ nghề gác kèo ong.
Ông Dũng chia sẻ: “Trong thời gian chờ khai thác tràm, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định từ cá đồng khoảng 10 triệu đồng/năm, hoa màu cũng khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra còn có lúa và gác kèo ong cũng được khoảng 60 triệu đồng. Nhờ vậy mà lấy ngắn nuôi dài”.
Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Thanh Triều cho biết: “Ðã qua, huyện U Minh được chủ trương của tỉnh cho phép khai thác rừng thường xuyên, không có giới hạn về mặt thời gian. Chỉ cần tới chu kỳ và đủ điều kiện là được phép khai thác bất kể mùa mưa hay mùa khô. Tổng doanh thu từ việc khai thác lâm sản năm 2014 đạt hơn 140 tỷ đồng. Ðây là tín hiệu hết sức khả quan và khởi sắc cho người dân xứ rừng”.
Chính sự năng động, linh hoạt trong cơ chế quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Trước đây, khi giới hạn về mặt thời gian, cây tràm thường bị ép giá, thì nay tình trạng này không còn. Bên cạnh đó, với việc hưởng tỷ lệ ăn chia cao, người dân đã có ý thức rất cao trong công tác phòng, chống cháy. Việc tận dụng đất bờ bao để trồng hoa màu cũng tạo thành đường băng xanh cản lửa hiệu quả nếu chẳng may có cháy xảy ra.
Anh Huỳnh Văn Thảo cho biết: “Sợ nhất là những kẻ lén lút vào rừng trộm ong. Vì những đối tượng này thường hoạt động vào buổi chiều tối - thời điểm dễ xảy ra cháy do rừng bị khô hanh. Còn chủ rừng chúng tôi chỉ lấy ong vào lúc sáng sớm, khi còn sương ẩm ướt và ý thức rất cao. Nhưng nếu chẳng may có cháy, phần đất nhà ai cũng được lên khuôn như bây giờ rất thuận tiện cho công tác chữa cháy rừng”.
Trong Nghị quyết định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của Huyện uỷ U Minh đã chỉ rõ, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giữ tỷ lệ che phủ của rừng và cây phân tán đạt 41%. Trọng tâm là tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân trong lâm phần rừng tràm. Ðặc biệt là đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ cho các hộ giao đất, giao rừng theo Nghị định 181 của Thủ tướng Chính phủ. Ðây chính là những động lực quan trọng để người dân trên lâm phần chủ động hơn trong phát triển kinh tế rừng. Một khi công tác giữ rừng do người dân làm chủ thể thì chắc chắn rừng U Minh Hạ sẽ mãi xanh./.
Bài và ảnh: Trần Chương