Hiệu quả từ đa canh Năm 2005,ệuvuitừkqbd belarus thấy 1 ha điều của gia đình không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, ông Phan Quang Thinh thử trồng xen ca cao dưới tán điều. Ông Thinh cho biết: Vì trồng thử nên tôi tiếc không chặt cây điều và nghĩ nếu cây ca cao không sống được thì cũng ít thất thu. Tuy nhiên, việc trồng xen đã đem lại lợi ích kép cho cả cây điều và ca cao. Trước đó, 1 ha điều mỗi năm gia đình tôi thu cao nhất chỉ được 40 triệu đồng, nhưng khi trồng xen ca cao, cứ 3 tháng bỏ phân/1 lần kết hợp tưới nên vườn cây đạt hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm trên cùng diện tích, sản lượng ca cao gia đình thu từ 1-1,2 tấn khô (ước 60 triệu đồng), giá trị vườn điều ước tăng gấp rưỡi (60 triệu đồng). Ông Nguyễn Tấn Lực (bên trái), Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Gia Mập và ông Phan Quang Thinh, Giám đốc HTX Phú Văn thăm vườn ca cao xen điều tại tổ 3, xã Phú Văn Từ hiệu quả trồng xen ca cao dưới tán điều của ông Thinh, nhiều hộ nông dân ở xã Phú Văn đã làm theo. Để các hộ nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, ông Thinh thành lập 2 tổ hợp tác ca cao gồm 32 thành viên. Các tổ hợp tác đã tổ chức sinh hoạt và chia sẻ cách tỉa cành tạo tán, bón phân, lên men ca cao và mua chung vật tư. Ông Thinh cũng đứng ra nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm ca cao cho các thành viên tổ hợp tác. Bước đầu sự hợp tác phát triển kinh tế tập thể đã mở ra cho nông dân xã Phú Văn hướng đi mới vì góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm. Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ đã mở rộng diện tích trồng đa canh đem lại giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Tuyền (thôn Đắk Khâu), ông Đặng Công Chức (thôn Cây Da). Ông Thinh nói: “Hoạt động của tổ hợp tác đã nhen nhóm trong tôi ước mơ lớn hơn là thành lập HTX. Tuy nhiên lúc đó tìm hiểu tôi thấy hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô hoạt động nhỏ, mang tính tự phát, tổ chức không chặt chẽ, quản lý tài chính yếu, chưa tạo ra sản phẩm đặc trưng. Vì vậy, mặc dù nhiều nông dân rất muốn vào HTX để có thể làm ăn lớn nhưng tôi vẫn chưa tự tin đủ sức “vươn ra biển lớn””. Đi đúng hướng nhưng cần “đỡ đầu” Là Chủ tịch Hội Nông dân xã nên ông Thinh có điều kiện tiếp cận những chính sách mới dành cho nông nghiệp. Thời gian gần đây, thấy “ý tưởng” của mình được cụ thể hóa bằng những chính sách, chỉ đạo của tỉnh, ông Thinh càng có thêm động lực, đặc biệt là khi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi trực tiếp về thăm và động viên tiếp sức. Vì vậy đến cuối năm 2016, HTX nông - lâm nghiệp, dịch vụ Phú Văn ra đời.
Ông Nguyễn Tấn Lực, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Gia Mập cho biết: Thực hiện mô hình phát triển kinh tế tập thể, toàn huyện hiện có 2 mô hình là HTX Phú Văn, HTX điều (xã Bù Gia Mập), Tổ hợp tác nuôi dê Phú Nghĩa và Tổ liên kết sản xuất điều Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa), trong đó huyện chọn HTX Phú Văn làm mô hình điểm. Các mô hình này bước đầu đã được tỉnh, huyện hỗ trợ phát triển. Cụ thể: tỉnh đã hỗ trợ cho những diện tích ca cao xen điều hệ thống tưới nhỏ giọt (60%), trong đó 11 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100%. Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện hỗ trợ 3 hộ vay vốn 100 triệu đồng và hỗ trợ 20 hộ (82,6 ha điều) ở xã Phú Nghĩa chăm sóc cải tạo vườn điều. Tuy mới thành lập nhưng bước đầu Tổ hợp tác nuôi dê xã Phú Nghĩa đã đạt kết quả tương đối, đem lại sự phấn khởi cho các thành viên. Định hướng của HTX Phú Văn là chú trọng xây dựng phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển những sản phẩm chủ lực là thế mạnh của địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên. Vì vậy, trước mắt HTX ưu tiên phát triển những mô hình, điển hình với cách làm hay, có phương pháp quản lý và sản xuất - kinh doanh tốt. Tuy nhiên do HTX mới thành lập nên rất cần có sự “đỡ đầu”, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ông Phan Quang Thinh cho rằng: Hiện chúng tôi vẫn phải tích cực tuyên truyền để các thành viên HTX hiểu rõ về ý nghĩa, lợi ích của mô hình hợp tác phát triển kinh tế tập thể nói chung và HTX kiểu mới nói riêng. Bên cạnh đó, phải nỗ lực tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tổ chức cho các thành viên học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phối hợp cung ứng vật tư, phương thức tiếp cận vốn vay... Nhưng để làm được thì đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách rõ ràng chứ không thể tự thân vận động được. P.Dung |