EVFTA là yếu tố thuận lợi giúp thủy sản xuất khẩu sang EU thêm khởi sắc | |
Nhiều sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng ngoài dự đoán |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam. |
Thưa ông, XK thủy sản trong tháng đầu năm giảm khá sâu, ngoài nguyên nhân rơi vào tháng Tết, còn những yếu tố nào tác động đến kết quả này?
Đúng như dự báo, trong tháng 1/2023, XK thủy sản giảm sâu, ước đạt 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng XK của thủy sản Việt Nam giảm rất sâu, như: cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%... Riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.
Tháng 1 trùng với dịp nghỉ tết Nguyên đán khiến hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp bị tác động. Cùng với đó, do tác động của việc các doanh nghiệp thiếu đơn hàng XK đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, XK thủy sản trong thời gian vừa qua. Không phải tháng 1 năm nay mới giảm, mà từ quý 4/2022, xu hướng XK thủy sản đã đảo chiều sang tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng do tác động của lạm phát ở các thị trường.
Sang tháng 1/2023, XK thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, XK sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc – Hồng Kông giảm 55%, EU giảm 35%... Kết quả này không bất ngờ đối với các doanh nghiệp vì nằm trong dự báo từ trước đó.
Như vậy, về thị trường XK trong năm nay sẽ có nhiều thách thức, doanh nghiệp XK thủy sản phải làm gì để vượt qua khó khăn, thưa ông?
Năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp XK nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng. Bốn thị trường XK lớn của thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản đang gặp rất nhiều thách thức liên quan đến lạm phát và suy thoái kinh tế. Song, doanh nghiệp vẫn có thể hy vọng vào thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Và sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý 2/2023. Vì vậy cần tập trung để cân đối XK giảm sút ở các thị trường khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…
Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng về nguồn cung và yếu tố thị trường tiêu thụ thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo. Bên cạnh đó, duy trì tốt lực lượng lao động chủ chốt để duy trì sản xuất chờ thị trường phục hồi. Đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp trong điều kiện đơn hàng hạn chế, nhiều đơn hàng hoãn hoặc chậm giao, dẫn đến áp lực tồn kho. Các nhà nhập khẩu cũng đang đứng trước khó khăn như nhà XK, cho nên vấn đề quan trọng lúc này là hai bên phải có sự tương tác thường xuyên để cùng nhau tìm ra các cơ hội khi thị trường ổn định trở lại để bắt nhịp thị trường, và cần có kế hoạch để hoạt động XK ổn định hơn...
XK gặp khó, theo ông, các doanh nghiệp có cần chuyển hướng sản xuất phát triển thị trường nội địa?
Đối với mặt hàng thủy sản, các doanh nghiệp chủ yếu XK sản phẩm đông lạnh, trong khi đó, tại thị trường trong nước, người dân thường có nhu cầu sử dụng sản phẩm tươi sống. Chính vì thế, đối với kênh tiêu thụ trong nước đã có những doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực này cung cấp, còn đối với doanh nghiệp XK thủy sản thường chuyên về sản xuất các sản phẩm đông lạnh, đáp ứng yêu cầu thị trường XK...
Các doanh nghiệp XK cần chú ý đến xu hướng thị trường, với tình hình lạm phát hiện nay chắc chắn giá sẽ có xu hướng giảm so với năm 2022. Năm 2023 sẽ là một năm đây thách thức với doanh nghiệp ở thị trường châu Âu, mong rằng các doanh nghiệp nhận diện hết những thách thức của thị trường này để có những điều chỉnh kịp thời duy trì sản xuất trong các giai đoạn tiếp theo của năm 2023.
Từ những yếu tố trên, ông dự báo như thế nào về tình hình XK thủy sản trong năm nay?
Bức tranh XK thủy sản những tháng đầu năm sẽ tiếp tục khó khăn khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Theo đó lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải.
Hiện nay, tình hình lạm phát có xu hướng chậm lại, cùng với đó, mới đây ngày 1/2/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), thị trường Trung Quốc mở cửa... sẽ là những tín hiệu khả quan cho các doanh nghiệp XK, trong đó có các doanh nghiệp thủy sản. Với những yếu tố tác động nêu trên, theo tôi, hết quý 1 năm nay, đơn hàng thủy sản XK sẽ ổn định, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc XK trong nửa cuối năm, hy vọng kết quả sẽ đạt khả quan như năm 2022.
Xin cảm ơn ông!