(CMO) Cải thiện chỉ số thành phần đào tạo lao động trong chỉ số PCI tỉnh là mục tiêu đặt ra tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động qua góc nhìn PCI của tỉnh Cà Mau”, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tổ chức vào chiều ngày 30/11.“Chất lượng lao động là một trong những nội dung còn hạn chế trong chỉ số thành phần PCI tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp Cà Mau còn quá ít về số lượng lẫn quy mô, dẫn đến môi trường cạnh tranh của tỉnh còn thấp”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá tại hội nghị. Qua đánh giá nội dung về chỉ số thành phần đào tạo lao động tỉnh Cà Mau năm 2019, kết quả với số điểm 5,68, xếp hạng 59/63, giảm 1 hạng so với năm 2018. Trong 10 chỉ tiêu, có 2 chỉ tiêu chuyển biến tích cực là: Doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm và doanh nghiệp có ý định sẽ sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm; 8 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực như: Tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề/số lao động chưa qua đào tạo chỉ được 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ được 7%;…. Đại biểu tham dự hội thảo Theo Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Từ Hoàng Ân nhìn nhận, năm 2020 tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề là gần 36.800 người/35.000 người; đã có 8 doanh nghiệp ngoài tỉnh liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm với nhu cầu tuyển dụng gần 4.500 lao động… Mặc dù, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về đào tạo lao động nhưng chưa thật đáp ứng với việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, dịch vụ thương mại, du lịch. Đại diện Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, Sở LĐTB&XH cần nhìn nhận lại chất lượng sàn giao dịch, việc cung cấp lao động cho doanh nghiệp tại sàn giao dịch có đạt chất lượng như doanh nghiệp cần hay chưa. Ngược lại, doanh nghiệp cần hợp tác hơn với chính quyền địa phương, sẵn sàng đón nhận học viên, sinh viên thực tập. Bởi kỹ năng mềm là kỹ năng rất thiếu đối với lao động Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng. Theo đó, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đánh giá môi trường kinh doanh tỉnh Cà Mau còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo lao động ở Cà Mau cần phải đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới. Đồng thời, giới thiệu một số mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp, qua đó đề ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực./. Hồng Nhung
|