Thi công dự án nút giao An Phú, TP. Thủ Đức. Ảnh: Sơn Nam |
Nhiều khó khăn ách tắc
Năm 2024, TPHCM được Chính phủ giao hơn 79.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó ngân sách địa phương hơn 75.570 tỷ đồng, ngân sách trung ương hơn 3.680 tỷ đồng.
Theo số liệu rà soát sơ bộ của Kho bạc Nhà nước TP. HCM, đến hết ngày 11/10, tổng số vốn thành phố đã giải ngân là hơn 16.787 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21,2%. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân là hơn 1.154 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 31,3% trên tổng kế hoạch vốn giao; vốn ngân sách địa phương giải ngân là hơn 15.632 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20,7% trên tổng kế hoạch vốn giao.
UBND TP. HCM nhìn nhận, việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2024 chưa đạt như kế hoạch đã đề ra. |
Theo UBND TP. HCM, việc chậm giải ngân trong 9 tháng đầu năm chủ yếu do 5 nhóm nguyên nhân chính. Trong đó, do đặc thù triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố. Khoảng trên 49% số vốn đầu tư công trung hạn của thành phố mới đủ cơ sở để triển khai thực hiện từ tháng 9/2023 thay vì được triển khai ngay đầu kỳ như các địa phương khác. Điều này dẫn tới việc chuẩn bị đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn vốn này bị chậm hơn so với các dự án sử dụng nguồn vốn được giao từ đầu kỳ trung hạn.
Trong tổng số hơn 249.952 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thì có 142.557 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu kỳ và hơn 107.395 tỷ đồng được HĐND TP. HCM bổ sung tăng thêm từ cuối năm 2023.
Theo đánh giá mới nhất của UBND thành phố, tại thời điểm này, đối với các dự án thuộc danh mục các dự án được giao từ đầu kỳ, thành phố đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và hiện đang giải ngân đúng theo tiến độ đã đề ra. Còn các dự án thuộc danh mục các dự án được giao vốn bổ sung từ cuối năm 2023 từ mức vốn trung hạn bổ sung của thành phố (hơn 107.395 tỷ đồng) thì giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025, thành phố mới có thể đẩy mạnh được việc giải ngân.
Cạnh đó là việc thay đổi quy định của Luật Đất đai về chính sách bồi thường trong điều kiện số vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của thành phố rất lớn, tính chất của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phức tạp đã tác động trực tiếp tới tỷ lệ giải ngân…
Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM, đối với riêng TP. HCM trước thực trạng kết quả giải gân đầu tư công ì ạch, rất thấp so với mặt bằng chung cả nước, trong những tháng cuối năm không có lựa chọn nào khác là cần phải tập trung toàn lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm. Không chỉ hướng mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, giải ngân vốn đầu tư công còn có ý nghĩa quan trọng là để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhiều ngành nghề khác giúp tăng trưởng GRDP đạt cao, bền vững.
Điểm kết niên hạn đến gần
Nhận diện được các vướng mắc hiện nay, ngày 16/10, UBND TP. HCM đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các bộ và các sở ngành thành phố về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với đó, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ liên quan các dự án trọng điểm trên địa bàn. Cụ thể dự án thành phần 1 xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP. HCM (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc), kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục liên quan để bắt đầu cung cấp cát, đảm bảo nguồn cung cấp cho dự án theo tiến độ đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), UBND TP. HCM đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án tháo gỡ cho dự án; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo đối với đề xuất của UBND TP. HCM. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để thúc đẩy quá trình tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, chuẩn bị đưa vào vận hành khai thác trong dịp cuối năm 2024. Ảnh: Sơn Nam |
Song song đó, TP. HCM đã rà soát và điều chỉnh cập nhật lại dự kiến tỷ lệ giải ngân trong các tháng còn lại và phấn đấu giải ngân tháng 10 từ 38,4% trở lên; tháng 11 là 45,1% trở lên; tháng 12 từ 85,9% trở lên. Và đến hết 31/1/2025 (thời điểm kết niên hạn giải ngân đầu tư công năm 2024) là từ 95% trở lên.
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, đối với giải ngân đầu tư công những tháng nước rút cuối năm, thành phố sẽ không điều chỉnh, mà tập trung giải quyết những vướng mắc để đạt kết quả cao nhất (95% kế hoạch vốn được giao). Theo đó thành phố phải dốc toàn lực giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai, giải phóng mặt bằng…
Tuần qua, hàng loạt dự án trọng điểm tại TP. HCM như đường vành đai 3 TP. HCM, nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa... được lãnh đạo thành phố trực tiếp thị sát công trường, chốt thời hạn bàn giao mặt bằng còn vướng mắc.
Tại dự án xây dựng nút giao An Phú, TP. Thủ Đức, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư) thông tin tiến độ cơ bản bảo đảm. Trong đó, gói thầu hầm chui HC1-01 đạt khối lượng hơn 64%, dự kiến thông xe tháng 1/2025. Hầm chui HC1-02 đạt hơn 45%, dự kiến hoàn thành tháng 8/2025. Riêng hạng mục cầu Giồng Ông Tố chạm mốc 94%, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Đối với dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, khi kiểm tra trực tiếp công trình cũng như làm việc với UBND quận Tân Bình, ông Võ Văn Hoan nêu thời hạn chậm nhất cuối tháng 11/2024, quận bàn giao mặt bằng còn vướng cho dự án, thông qua việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ 68 trường hợp./.
Mới đây, Dự án trọng điểm cấp quốc gia là vành đai 3 TP. HCM được Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường liên tục thị sát thời gian qua; yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tăng tốc, thi công 3 ca 4 kíp, rút ngắn thời gian, bảo đảm giải ngân. Cụ thể, đoạn cầu cạn trên địa bàn TP. Thủ Đức được ấn định hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 30/4/2025. Ban Giao thông cùng TP. Thủ Đức có trách nhiệm ký cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng còn vướng trước ngày 15/11. Hiện 5 gói thầu trên địa bàn TP. Thủ Đức đã giải ngân được 1.633/8.573 tỷ đồng, đạt tỷ lệ khoảng 19%. |