Phải kê khai, tính thuế theo thuế suất của nguyên liệu, vật tư
Góp ý có nội dung này, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, tại dự thảo cần bổ sung “linh kiện” thuộc sản phẩm gia công XK được miễn thuế XK, thuế NK theo quy định của Luật thuế XK, thuế NK. Tuy nhiên, khoản 6 Luật chỉ đề cập việc sản phẩm gia công XK được sản xuất từ nguyên liệu và vật tư trong nước có thuế XK thì khi XK theo hợp đồng gia công mới được miễn thuế.
Bên cạnh đó, một số Cục Hải quan góp ý, tại khoản 4 Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 10, tại tiết b điểm 1 đề nghị sửa thành: “b) Hàng mẫu không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng được thể hiện trong hợp đồng gia công hoặc phụ lục hợp đồng gia công và được quản lý như nguyên liệu, vật tư NK để gia công”.
Và tại tiết d điểm 2 khoản 4 điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 10: ”Khi quyết toán, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai… theo mẫu số 14 phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này. Chi tiết mẫu số 14 cũng tương tự mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL của Thông tư số 39/2018/TT-BTC nên đề nghị hướng dẫn chung, không quy định mẫu để thống nhất thực hiện theo Thông tư 39/2018/TT-BTC, tránh trùng lặp”.
Tiếp thu ý kiến trên, ban soạn thảo cho biết, tại Khoản 6 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng XK được miễn thuế, tuy nhiên, khoản 1 Điều 10 Nghi định 134 quy định phạm vi hàng hóa NK để gia công được miễn thuế NK rộng hơn (bao gồm bán thành phẩm, máy móc, thiết bị NK để gia công, hàng mẫu, linh kiện, phụ tùng để bảo hành).
Rà soát các quy định miễn thuế khác tại Điều 16 của Luật thuế XK, thuế NK cho thấy quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP có cơ sở pháp lý (hàng mẫu NK không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng (khoản 10), thiết bị máy móc tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài (điểm a khoản 9) thuộc trường hợp được miễn thuế), tuy nhiên chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật 107. Đồng thời, rà soát pháp luật về quản lý ngoại thương (Nghị định số 69/2018/NĐ-CP) cho thấy, ngoài nguyên liệu, vật tư NK để gia công trong định mức sử dụng được miễn thuế còn có phụ liệu. Vì vậy, căn cứ quy định của Luật 107, Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 10 theo hướng bổ sung cụm từ “phụ liệu”, “hàng mẫu” NK được miễn thuế phải được thể hiện trong hợp đồng gia công; thiết bị, máy móc phải được NK theo hình thức tạm nhập tái xuất để thực hiện gia công (theo pháp luật hải quan, máy móc thiết bị NK để thực hiện hợp đồng gia công phải thực hiện thủ tục tạm nhập tái xuất).
Tại điểm g khoản 1 Điều 10 Nghị định 134 quy định miễn thuế đối với Sản phẩm gia công XK: “Trường hợp sản phẩm gia công XK được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế XK thì khi XK phải chịu thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước cấu thành trong sản phẩm XK theo thuế suất của nguyên liệu, vật tư” tuy nhiên, quy định này chưa rõ người khai hải quan phải kê khai tính thuế trên Tờ khai "sản phẩm gia công XK” hay mở Tờ khai "nguyên liệu, vật tư NK”.
Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK:“Sản phẩm gia công XK được sản xuất từ nguyên liệu vật tư trong nước có thuế XK thì không được miễn thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước tương ứng cấu thành trong sản phẩm XK", Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ bổ sung rõ quy định tại điểm 1 Điều 10 dự thảo nghị định người nộp thuế phải kê khai, tính thuế XK trên tờ khai hàng hoá XK đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước cấu thành trong sản phẩm XK theo thuế suất của nguyên liệu, vật tư.
Quy định rõ cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế
Góp ý cho nội dung này, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cho rằng, quy định “Khi nộp báo cáo quyết toán hoặc hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công… phải tái xuất hoặc chuyển sang thực hiện gia công chuyển tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương hoặc được phép tiêu hủy theo quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều này hoặc được sử dụng làm quà biếu, quà tặng”. Theo quy định tại đây thì nguyên vật liệu NK để gia công còn dư thừa không được phép chuyển tiêu thụ nội địa dưới hình thức bán. Điều này có phần mâu thuẫn với đoạn sau về việc thay đổi mục đích sử dụng với hàng NK để gia công. Do vậy, VBF đề xuất sửa đổi để tránh gây cách hiểu sai hoặc không đồng nhất, dẫn đến khó thực hiện. Ngoài ra, nội hàm khoản 2 Điều 10 là quy định về cơ sở để xác định hàng hóa miễn thuế NK để gia công nhưng nội dung lại quy định về vấn đề nộp báo cáo quyết toán và chưa rõ. Trường hợp cần quy định nội dung này thì đề nghị rà soát lại và chuyển sang quy định ở điều về thủ tục.
Bên cạnh đó, VBF cũng phản ánh, quy định tại Khoản 4 Điều 10: “Phế liệu, phế thải, phế phẩm nằm trong định mức thực tế sản xuất được miễn thuế NK khi tiêu thụ nội địa nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan theo thuế suất và trị giá tính thuế của phế liệu, phế thải, phế phẩm theo Mẫu số 15 tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này”. Việc nộp thuế như quy định tại khoản này không được quy định trong Luật thuế XK, thuế NK. Hơn nữa, mục đích của việc nộp thuế cũng không rõ ràng. Khi bán, DN đã phải nộp các khoản thuế này với cơ quan Thuế nội địa rồi nên cơ bản cũng không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế. Vì vậy cần bỏ quy định phải kê khai nộp thuế với cơ quan Hải quan đối với phần phế liệu, phế thải, phế phẩm thu được sau quá trình gia công, sản xuất hàng hóa XK.
Tiếp thu ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định của Luật 107, Nghị định 69/2018/NĐ-CP, ý kiến của các địa phương, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 10 NĐ số 134 đã được hoàn thiện theo hướng: Việc thực hiện thông báo cơ sở gia công, hợp đồng gia công, cơ sở sản xuất của người nhận gia công lại, hợp đồng gia công lại theo quy định của pháp luật hải quan để thực hiện thống nhất.
Trường hợp người nộp thuế XK ra nước ngoài hoặc khu phi thuế quan một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã NK để gia công một công đoạn của sản phẩm hoặc toàn bộ sản phẩm sau đó NK sản phẩm đặt gia công trở lại Việt Nam để XK hoặc tiếp tục gia công XK thì người nộp thuế được miễn thuế XK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện XK để gia công. Sản phẩm đặt gia công tại nước ngoài NK trở lại Việt Nam phải nộp thuế NK theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định này (nộp thuế đối với phần trị giá tăng thêm bao gồm chi phí gia công ở nước ngoài của sản phẩm theo mức thuế suất thuế NK của sản phẩm gia công NK). Sản phẩm đặt gia công tại khu phi thuế quan NK trở lại Việt Nam phải nộp thuế NK theo quy định tại Điều 22 Nghị định này (theo mức thuế suất của sản phẩm NK và trị giá tính thuế của nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK từ nước ngoài cấu thành trong sản phẩm NK vào thị trường trong nước).
Hàng hoá NK để sản xuất XK thực tế sau khi tiêu huỷ thu được sản phẩm mới được miễn thuế NK và nếu XK sản phẩm mới thì được miễn thuế XK.
Phế liệu, phế thải, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất khi chuyển tiêu thụ nội địa (trừ phế phẩm chuyển tiêu thụ nội địa theo tên gọi của chính phẩm) không phải làm thủ tục hải quan và được miễn thuế NK nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan theo thuế suất và trị giá tính thuế của phế liệu, phế thải, phế phẩm theo Mẫu số 15 tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này. Người nộp thuế được lựa chọn kê khai theo từng lần chuyển tiêu thụ nội địa hoặc kê khai tổng số lượng chuyển tiêu thụ nội địa theo tháng cho cơ quan Hải quan.
Phế phẩm nằm trong định mức thực tế sản xuất khi chuyển tiêu thụ nội địa theo tên gọi của chính phẩm thì phải làm thủ tục hải quan, kê khai nộp thuế NK, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan theo thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm chính phẩm.
Phế liệu, phế thải, phế phẩm được sử dụng để tái chế, sản xuất sản phẩm nếu XK sản phẩm thì được miễn thuế XK, nếu chuyển tiêu thụ nội địa thì phải làm thủ tục hải quan và kê khai nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm.