Tính chất của thương mại điện tử (TMĐT) là nhanh chóng cung cấp đa dạng dịch vụ, hàng hóa cho người tiêu dùng. Tuy vậy, phát triển rầm rộ TMĐT thời gian qua đã xuất hiện nhiều bất cập.
Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh đã lợi dụng TMĐT để mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Với phương thức sử dụng các kỹ thuật, công nghệ cao, kinh doanh TMĐT ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Hàng hóa phạm pháp thông thương trên thị trường Quảng Nam tác động xấu đến quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Vừa qua, Đội quản lý thị trường số 4 (Thăng Bình) tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Phan Thị Tuyết có địa chỉ tại tổ 2 (thôn Quý Thạnh 1, xã Bình Quý).
Bà Tuyết sử dụng tài khoản facebook cá nhân để kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu. Ngành chức năng đã xử phạt bà Tuyết 3 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật trị giá hơn 4,2 triệu đồng.
Tiếp đó, Đội quản lý thị trường số 4 phối hợp cùng Đội cảnh sát điều tra Công an huyện Thăng Bình và Công an xã Bình Lãnh tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Si Tuyển có địa chỉ ở thôn Nam Bình Sơn (xã Bình Lãnh).
Ngành chức năng đã xử phạt hộ kinh doanh trên 22 triệu đồng với 2 hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là quần áo, giày dép. Các lực lượng cũng đã tịch thu hàng hóa trị giá 16 triệu đồng và tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 10,7 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã kiểm tra 12 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, xử phạt 11 vụ sai phạm với tổng số tiền gần 144 triệu đồng.
Hành vi vi phạm chủ yếu gồm kinh doanh hàng nhập lậu (4 vụ); kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ (2 vụ); vi phạm về thông báo website TMĐT với cơ quan quản lý nhà nước (4 vụ); sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website TMĐT bán hàng khi chưa được duyệt của cơ quan nhà nước (1 vụ).
Tăng cường định danh người bán
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình - Trưởng ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả Quảng Nam, TMĐT là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới.
Để đấu tranh chống hàng giả trong TMĐT hiệu quả, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh gồm công thương, lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, thuế, biên phòng… cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là giải pháp để định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chống hàng giả trong TMĐT.
Ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp các ngành chức năng giải quyết khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT giữa người dân và doanh nghiệp. Công nghệ sẽ nhận diện được các nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, bảo đảm các giao dịch TMĐT diễn ra minh bạch.
Theo ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trong TMĐT.
Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Về nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tổ chức thực hiện chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025, ông Lương Viết Tịnh cho biết, có 2 nhiệm vụ xuyên suốt, then chốt.
Đó là quản lý chặt địa bàn, rà soát đưa vào cơ sở dữ liệu quản lý, giám sát chặt các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT và phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chống hàng giả trong TMĐT.
Thời gian tới, người tiêu dùng sẽ được hỗ trợ, trang bị các kỹ năng mua hàng chất lượng, có xuất xứ rõ ràng trên môi trường mạng; tố cáo các đối tượng lợi dụng TMĐT để lừa dối người tiêu dùng, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân cũng như cộng đồng xã hội.
Hiện nay, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng Facebook, Zalo... bán hàng online nhưng không rõ ràng về kho, điểm tập kết hàng hóa. Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, việc truy tìm địa chỉ, xác minh đối tượng có nghi vấn khi bán hàng trong TMĐT không hề đơn giản. Do vướng nhiều quy định, tính khả thi khi kiểm tra sẽ không cao khi nhiều cơ sở sử dụng nhà ở của mình làm cơ sở kinh doanh.