| Các khu công nghiệp tăng tốc nối lại chuỗi sản xuất | | Hải quan Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục hoạt động xuất nhập khẩu | | Bình Dương: Kim ngạch xuất khẩu tăng cao |
| Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngôn |
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao Trong 9 tháng năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng nguồn nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN trên cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Tuy vậy, xuất khẩu vẫn có những tín hiệu tích cực đánh dấu sự nỗ lực vượt khó của DN cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc kiểm soát dịch, hỗ trợ kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, bảo đảm thông quan nhanh hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Theo thống kê của Cục Hải quan Bình Dương, tính đến ngày 12/10/2021, đã có trên 1.800 DN hoạt động trở lại, tương đương 85,5%. Từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Bình Dương đã giải quyết hơn 1,4 triệu tờ khai, tăng 4,9%; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 46,9 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. |
Kết quả, trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương ước đạt hơn 24,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ, đạt 79,8% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 4,68 tỷ USD, tăng 31,3%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 19,84 tỷ USD, tăng 25,6%, so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương vẫn giữ mức tăng khá. Đặc biệt, vượt qua những khó khăn của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ trong 9 tháng ước đạt hơn 4,98 tỷ USD, tăng 28,1%, chiếm tỷ trọng 20,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD, tăng 10,5%; ngành giày da ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 14,4%, so với cùng kỳ năm trước… Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Logistics kiêm Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Perfetti Van Melle Việt Nam (KCN Sóng Thần 2, Dĩ An, Bình Dương) cho biết, trong thời gian dịch bùng phát, đặc biệt là cao điểm tháng 8, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, đơn hàng xuất khẩu giảm, chi phí phát sinh tăng gấp 3 song công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Công ty đã tổ chức mô hình sản xuất an toàn “3 tại chỗ" và "một cung đường 2 điểm đến”, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, linh hoạt sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời có các chính sách chăm lo, khích lệ người lao động tham gia “3 tại chỗ” như cung cấp đầy đủ các bữa ăn, đồ dùng sinh hoạt, hỗ trợ thêm mỗi người lao động 4 triệu đồng/tháng… Qua đó, hoạt động sản xuất của DN vẫn được duy trì ổn định, hàng hóa xuất khẩu vẫn đạt khoảng 1.500 tấn/tháng. Tương tự, bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (KCN Nam Tân Uyên) cho biết, công ty có hệ thống phân phối và nhập khẩu nguyên vật liệu từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều bạn hàng ở khu vực Đông Nam Á. Dù đối mặt với các thách thức từ đợt dịch nhiều tháng qua nhưng với mô hình “3 tại chỗ” cùng các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, công ty vẫn duy trì hoạt động 100% công suất. Qua đó, chuỗi cung ứng toàn cầu với các đối tác từ Thái Lan, Malaysia vẫn được duy trì, việc xuất khẩu hàng hóa diễn ra đều đặn. Bà Lê Thu Hương, Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Công ty CP công nghiệp cao su Miền Nam cho biết, trong các tháng cao điểm phòng chống dịch bệnh, 2 trong 5 nhà máy của công ty tại Bình Dương đều thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Mặc dù gặp khó khăn về nhân lực tham gia sản xuất, chi phí phát sinh nhưng công ty vẫn duy trì và ổn định các đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường chính là Mỹ, EU, Đông Nam Á. Trung bình 4 tháng giãn cách xã hội, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp đạt khoảng 160-170 tỷ đồng/tháng. Đây là những tín hiệu tích cực góp phần giúp Công ty CP công nghiệp cao su Miền Nam ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp cho thị trường nội địa bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc Theo các DN, hiện các nước châu Âu và Mỹ đang dỡ bỏ từng bước hoặc hoàn toàn bỏ lệnh phong tỏa, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để các DN đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu của các DN vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, nhất là việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Hiện nay, ngành gỗ mặc dù đơn hàng nhiều nhưng lại thiếu lao động, thiếu nguyên liệu sản xuất, rất nhiều DN đang cố gắng khôi phục và tăng tốc mọi hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc, thu nhập cho người lao động. Theo đó, DN mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất trong tình hình mới. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, DN đã nỗ lực thích ứng hoạt động sản xuất trong điều kiện rất khó khăn và cùng tỉnh chăm lo, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống. Hiện dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, DN mới bắt đầu phục hồi sản xuất và vẫn còn gặp không ít khó khăn. Do đó, từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời luôn đồng hành, lắng nghe để kịp thời có các giải pháp hỗ trợ, cùng cộng đồng DN trong tỉnh phục hồi và phát triển nhanh nhất có thể. Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Phước Việt Dũng cho biết, đơn vị cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 là ưu tiên cho việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thông qua việc tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa, linh hoạt trong giảm thiểu thủ tục hành chính. Theo đó, Cục Hải quan Bình Dương sẽ tiếp tục vận hành có hiệu quả tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK; thường xuyên theo dõi, liên lạc để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |