Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” vào tháng 10/2021 với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chiến lược đặt ra mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Cùng với đó, Chính phủ ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến chuyển đổi xanh như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII...
Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu như: Cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)...
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho thấy, để theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần khoản đầu tư tương đương 6,8% GDP mỗi năm, khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động lớn đến môi trường tự nhiên, gây tổn thất nặng nề về kinh tế.
Nhiều giải pháp được triển khai để giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong đó, giải pháp về tài chính, gồm có tín dụng xanh được xem là hiệu quả, từ đó góp phần hướng tới phát triển kinh tế bền vững…
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Tính đến hết tháng 3/2024, có 47 ngân hàng cho vay, dư nợ khoảng 637.000 tỷ đồng, tăng trưởng 2,6% so với 2023, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế.
Các dự án được các NHTM chú trọng đầu tư là: năng lượng điện tái tạo, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực dệt may, yếu tố bảo vệ môi trường của các sản phẩm chế biến gỗ, dự án chống biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Với sự nỗ lực của các ngân hàng, tín dụng xanh trở thành trụ cột tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, tỷ lệ dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế một con số còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để phát triển các dự án dự án xanh. Khó khăn trong cho vay các dự án xanh hiện nay là việc phân loại, tiêu chí các dự án xanh, thực tế nhiều doanh nghiệp cũng chưa thực sự mặn mà để tiếp cận nguồn vốn xanh.
Cùng với đó, “đầu tư các dự án xanh để chuyển đổi công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, cần nguồn tín dụng dài hạn từ 5 năm, 10 năm thậm chí có những dự án kéo dài lên tới 20 năm với mức lãi suất thấp, trong khi vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn đã chiếm khoảng 80% tổng huy động của hệ thống. Do vậy các ngân hàng thương mại rất khó sắp xếp nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp để cho vay các dự án xanh”, ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Về tiêu chí phân loại các dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng trình Thủ tướng ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Các dự án bao gồm: đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường quy định tại khoản 1 Điều 149 hoặc khoản 2 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường và theo quy định tại Nghị định này được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Việc xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu xác nhận để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định.
Tiêu chí phân loại các dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đã có, tuy vậy để tiếp cận được nguồn vốn này, các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin, xác định dự án đầu tư. Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, khuyến nghị: Cần xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo động lực phát triển tài chính xanh.
Đồng thời chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Tuy vậy, con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn trung bình khoảng 20 tỷ USD/năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh. TS. Lê Duy Bình đề xuất: Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
Đồng thời, cần đa dạng hóa các nguồn vốn cho tín dụng xanh tại Việt Nam, xem xét ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển trái phiếu xanh, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về phát triển bền vững.
- Vì sao Gen Z ngày càng hờ hững với hẹn hò online?
- Infographics: Chống buôn lậu, gian lận thương mại thu về ngân sách 7.666 tỷ đồng
- Bé sơ sinh bị bỏ rơi bên đường vào rừng, miệng ngậm ngón tay vì khát sữa
- Hoa Kỳ khởi xướng rà soát hành chính thuế chống bán phá giá sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam
- Cuốn nhật ký bằng thơ kể lại cuộc đời nhiều biến động
- Những tin, bài hấp dẫn trên Báo Hải quan số 96 phát hành ngày 11/8/2019
- Điều động, bổ nhiệm ông Lê Văn Dương giữ chức Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc
- Khởi tố vụ án "tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại"
- Bắt nguyên phó phòng và chuyên viên quản lý đô thị huyện Trảng Bom
- Công an TP.HCM khám phá vụ lừa 'chạy án' cho nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm
- Những mối nguy tiềm tàng
- Giá nguyên liệu làm “chìm” lợi nhuận
- Nhiệm vụ của ngoại giao kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình
- Chạy lấn làn gây tai nạn, tài xế container bị bắt giam ở Hà Tĩnh