“Chiến tranh không chỉ để lại những hố bom, bãi mìn, hàng rào kẽm gai mà còn làm hàng ngàn héc-ta đất hoang hoá. Kinh tế người dân khi ấy vẫn chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là chính. Cuộc sống nơi đây gặp nhiều khó khăn, hạ tầng thiếu thốn, khốn khó trăm bề”, ông Phạm Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Cà Mau, nhìn nhận.
“Chiến tranh không chỉ để lại những hố bom, bãi mìn, hàng rào kẽm gai mà còn làm hàng ngàn héc-ta đất hoang hoá. Kinh tế người dân khi ấy vẫn chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là chính. Cuộc sống nơi đây gặp nhiều khó khăn, hạ tầng thiếu thốn, khốn khó trăm bề”, ông Phạm Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Cà Mau, nhìn nhận.
Những đổi thay diệu kỳ
Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng của Cà Mau đã có bước phát triển đột phá. Tính riêng giai đoạn 2011-2015 đã có trên 15.200 tỷ đồng được đầu tư xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh, bình quân khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đáng kể. Ngoài những công trình trọng điểm mang ý nghĩa trọng đại nối liền dải đất cực Nam: cầu Năm Căn, cầu Ðầm Cùng… đến cuối năm 2014 có 73/82 xã có đường ô-tô về đến trung tâm.
Lộ giao thông nông thôn hiện nay đã được đầu tư đến từng xóm ấp. |
Cựu chiến binh Võ Văn Oanh, ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, phấn khởi: “Sau giải phóng, toàn bộ khu Hàm Rồng chỉ toàn là rừng và rừng. Muốn đi đâu phải lội bộ xuyên rừng qua từng cây cầu khỉ. Rồi mãi đến 10 năm sau ngày giải phóng, con đường đầu tiên mới được hình thành. Có ai ngờ được rằng, nó lại là quốc lộ rộng lớn của hôm nay. Nói làm sao hết được sự đổi thay, chẳng ai có thể ngờ tới được”.
Từ những ngôi nhà được kê bằng cột đước, hay nhà cặm bằng cây gỗ địa phương nay đã được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng. Nông thôn mang diện mạo mới với hàng ngàn cây số đường và hàng ngàn cây cầu nông thôn được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân lưu thông cũng như trao đổi hàng hoá.
Ðặc biệt, từ sau khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) diện mạo nông thôn Cà Mau có nhiều khởi sắc. Bởi hiện nay, đã có gần 97% hộ dân sử dụng điện. Riêng trong giai đoạn 2011-2014 đã đầu tư 509 km đường dây trung thế, 677 km đường hạ thế, hơn 10,8 kVA trạm biến áp. Ðến nay, toàn tỉnh có hơn 3.800 km lộ bê-tông, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo nên một diện mạo tươi sáng ở vùng quê.
Kết quả của sự đồng thuận
Ông Ðoàn Văn Bình, Chánh Văn phòng, Phó Ban Ðiều phối xây dựng NTM, vui mừng: “Người dân Cà Mau sau 40 năm giải phóng, đặc biệt từ khi có Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM càng phấn khởi hơn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quan tâm chăm lo của Nhà nước”. Ðáng chú ý, từ cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp với gần 400.000 ha đất sản xuất lúa từ sau giải phóng, đến nay đã chuyển sang cơ cấu ngư - nông - lâm nghiệp. Kinh tế thuỷ sản đã trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh, tạo đà vững chắc cho các ngành kinh tế khác đi lên. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng dần, từ 640 triệu USD (năm 2009) đã tăng lên gần 1,3 tỷ USD (năm 2014).
Ðược thành lập sau ngày giải phóng 4 năm, huyện U Minh được xem là vùng đất điển hình trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, dân chủ yếu xài đèn dầu. Những năm 1978-1980, toàn huyện chỉ có 11 trường tiểu học và THCS với chưa đầy 5.000 học sinh. Số lượng thầy, cô giáo khoảng 120 người, chủ yếu tăng cường từ tỉnh ngoài. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 6.000 ha; hàng chục ngàn héc-ta đất hoang hoá, không sản xuất được.
Thế nhưng, hôm nay U Minh là một trong những huyện có hệ thống giao thông nối liền từ huyện đến xã, ấp. Ðã có hơn 120 km đường ô-tô, 160 km đường lộ nông thôn, trên 300 cây cầu bê-tông, láng nhựa. Huyện hiện có 111 điểm trường với trên 1.120 giáo viên, 8/8 xã có trạm y tế. Hệ thống đê bao rừng tràm, đê sông, kinh trục cơ bản đáp ứng ngăn mặn giữ ngọt, xổ phèn và phòng, chống cháy rừng mùa khô.
Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch UBND huyện U Minh, tự hào: “Sau 40 năm thống nhất đất nước cũng như sau 35 năm thành lập huyện, U Minh đã và đang rất đỗi tự hào về sự đổi thay hôm nay. Những kết quả trên cũng là kết quả của sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân nơi đây. Ngay những ngày đầu giải phóng, huyện đã tập trung khai hoang ruộng đất, tăng gia sản xuất, từng bước thay đổi về bộ mặt kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân dưới tán rừng tràm”./.
Bài và ảnh: Hồng Nhung